Họ lấy nhau khi đang tuổi vị thành niên bởi vì ngôi làng của chúng tôi như thế. Những đứa trẻ lớn lên, học hành dang dở, kết hôn sớm ngay khi gặp một người, rồi cứ thế mà sống qua ngày đoạn tháng.
Ba mẹ tôi đang ngồi trong kia, với bầy em của tôi, họ hàng và những người hàng xóm. Họ mừng cho tôi, nói đúng hơn là cho tương lai của tôi dù tôi cũng chẳng biết tương lai đó tối hay sáng?
Vài ngày nữa tôi sẽ đi xuất khẩu lao động. Bác chủ tịch xã, cô chủ tịch hội phụ nữ, tấm băng rôn treo to đùng gần ủy ban nhân dân xã và mọi người đều nói xuất khẩu lao động là một tương lai tươi sáng. Tôi sẽ được đổi đời, không chỉ cho tôi mà cho cả gia đình nghèo khó của tôi. Một thế giới khác sẽ mở ra. Tôi sẽ nhìn thấy một đất nước khác, khung cảnh khác, lối sống khác…
Tôi đi dạo trên con đường làng để một lần nữa thu vào tầm mắt mình khung cảnh quen thuộc. Mười chín tuổi, tôi là cô gái nhỏ hiếm hoi trong làng có bằng cấp ba, không kết hôn, sinh con sớm. Tôi đã lĩnh hết những bằng khen từ lớp mẫu giáo tới lớp mười hai. Tôi luôn được ngợi ca là người con hiếu thảo và hiếu học của gia đình, làng xóm. Nhưng tôi đã không thi đại học. Tôi sẽ đi làm thuê ở một xứ lạnh, hái ớt, hái trà, hái hoa theo mùa vụ và gặp lại những bạn học của tôi đã từng nghỉ học ở lớp bảy, lớp tám. Ngày trước tôi từng theo thầy cô giáo đi vận động các bạn ấy đi học và sau này tôi đã gặp lại các bạn ấy cùng chỗ làm. Bao nhiêu người cười tôi, tôi không nhớ? Tôi không hối tiếc những năm tháng đi học của mình. Tôi nhớ những bằng khen tôi đã nhận, nhớ tiết học toán, học văn, nhớ lúc ngồi vẽ một bức tranh và nhớ về tình bạn dưới mái học đường theo từng cấp.
Minh họa: HOÀNG CÚC
Gia đình đã gọi tôi về vào một ngày bất ngờ. Có một chính sách xuất khẩu lao động cho xã nghèo. Xã đã dành cho gia đình tôi, một gia đình đông con, nghèo nhất trong làng một suất. Không tốn nhiều tiền lắm, lại còn được nhà nước cho vay.
Tôi được chọn bởi những tấm bằng khen hiếu học khi xưa và cũng là do ngẫu nhiên may mắn. Tôi không biết nhiều về đất nước tôi tới. Họ có chiếu những hình ảnh ở đất nước đó cho chúng tôi xem, những hình ảnh của sự giàu có, lộng lẫy, choáng ngợp. Tôi vừa háo hức, vừa lo sợ.
Tôi bước qua những vũng nước đọng, lác đác phân bò, trâu, dê…trên con đường làng. Có lẽ, bọn trẻ và các em tôi chưa thấy đống phân này. Nếu thấy, chúng đã nhanh tay hốt vào chiếc bao và hí hửng mang về nhà. Phân gia súc phơi khô là một nguồn thu nhập của chúng tôi. Phân gia súc khô đổi được gạo, mắm, muối, đóng tiền học cho bọn trẻ nữa.
Một đám bò lóc cóc đi ngược chiều về phía tôi. Dưới ánh nắng chiều, những cặp chân bò làm tung lên đám bụi mù. Lục lạc trên cổ bò rung leng keng, lắc cắc. Đứa bé chăn bò đội mũ rách không buồn hò đám bò đi chậm lại. Lũ bò xô đẩy nhau, chạy lấc cấc trên đường.
Ở đất nước giàu có tôi sắp tới tôi có còn được nghe tiếng lục lạc bò? Bác chủ tịch xã nói ở đó con gà vẫn gáy ò ó o, con chó vẫn sủa gâu gâu nhưng con người thì nói ngôn ngữ khác. Bác chủ tịch xã chưa một lần đi nước ngoài, bảo tôi qua đó hãy chụp thật nhiều hình để gửi về. Bác không quên gửi gắm tôi và những người cùng đi xuất khẩu lao động hãy làm việc thật chăm chỉ, kiếm tiền gửi về gia đình và giúp đỡ quê hương, làng xóm.
Tôi tiếp tục đi qua những ngôi nhà tuềnh toàng. Những ngôi nhà đóng cửa giống như nhà tôi, ba mẹ đều ở trên rẫy để trồng vài đám bắp, chăn thả vài con bò. Đám trẻ thích đi học thì ở nhà, một mình tự nấu ăn, tự đi học. Những người già cũng không ai nuôi, một mình thui thủi trong ngôi nhà tạm bợ. Cuối tuần, những người trên rẫy sẽ về mang theo ít cái ăn. Sau đó người ở rẫy lại lên rẫy. Người ở nhà lại thui thủi trong ngôi nhà buồn và ngôi làng vắng vẻ.
Trong một căn chòi, một em bé đang nhóm lửa, thổi phù phù vào đám củi chỉ toàn khói. Em bé đang nhóm lửa cũng giống bầy em tôi ở nhà. Ba mẹ trên rẫy, chị gái đi làm xa, chúng ở nhà tự nấu ăn, tự trông nhau và đi học. Tôi sẽ mang hình ảnh các em tôi và những em bé ở làng qua đất nước tôi sắp tới? Nơi đó tôi cũng sẽ làm việc trong một ngôi nhà, một căn bếp. Nhà nào? Tôi chưa biết. Miễn là chủ nhà đó chịu nhận một cô gái như tôi.
Tôi đi ra con đập của làng, ngồi một mình trên chiếc cầu treo lắt lẻo. Nắng chiều đã tắt. Trời chạng vạng. Thỉnh thoảng vài người làng tôi chạy xe máy qua chiếc cầu. Chiếc cầu rung lên. Những mảnh gỗ ghép như sắp gãy.
Tôi đã từng ngồi như thế này với vài người bạn từ thời tuổi nhỏ cho đến khi mới lớn. Nhưng chúng tôi không ngồi mãi. Lần lượt từng người kết hôn dù chưa đủ tuổi. Chẳng cần đăng ký kết hôn, chưa đủ tuổi, xã chưa cho đăng ký thì cứ về ở với nhau thôi. Đẻ con thích thì làm giấy khai sinh, không thích thì thôi, khi nào chúng tới tuổi đi học rồi làm giấy khai sinh cũng được. Cứ liều mạng và vô tư như thế. Bao nhiêu đứa trẻ ra đời, làng không đông vui hơn sao? Trường học còn có thêm học sinh… Những người bạn tôi cứ sống hồn nhiên như thế. Không có gì ăn, cũng giống như tôi, leo lên một chiếc xe để mặc nó chở mình về xứ nào chẳng biết. Miễn xứ đó cho mình một công việc và trả tiền.
Không còn người bạn nào trò chuyện với tôi trên chiếc cầu này. Những người bạn tôi lạc trôi tứ xứ. Những người còn ở làng cũng cắm mặt trên ruộng rẫy. Vài ngày nữa tôi cũng sẽ đi. Đi thật xa, hợp đồng là năm năm mới trở về. Năm năm ở xứ người tôi không biết mình sẽ ra sao?
Tại sao tôi phải ra đi khi tôi cũng đầy sợ hãi khi ngồi một mình trên chiếc cầu quen thuộc này? Tôi chỉ muốn mình nhỏ lại, tất cả những người bạn tôi đều nhỏ lại. Chúng tôi có thể tự đi học, sống thui thủi, tự nấu ăn, trôi qua tháng ngày lay lắt nhưng cứ hồn nhiên cười nói. Tôi sợ bước ra thế giới khi không biết thế giới đó ra sao?
Nhưng nếu tôi ở lại? Một mình ở xứ người và một mình trong làng xóm của mình, một mình nào ít buồn hơn? Những người bạn đã bỏ tôi trên con đường mưu sinh. Cha mẹ chúng tôi cũng phải bỏ lại con cái để lên rẫy. Nếu bọn trẻ lên rẫy chúng sẽ thất học. Những người trẻ cũng bỏ những người già để đi tìm công việc. Tôi đằng nào cũng phải ra đi, không xa thì gần.
Một chú chó nhỏ sủa gâu gâu chạy theo con đập. Tôi rời khỏi cầu, bước xuống đập nước. Dưới ánh trăng mỏng, chú chó ngẩng đầu nhìn tôi, nửa sợ muốn chạy khỏi tôi nửa muốn lại gần tôi. Chú chó khác nào tôi bây giờ, nửa muốn bay đi tới vùng trời khác, tìm một tương lai khác, nửa muốn ở lại để co mình trong những gì quen thuộc.
Một chú ếch đêm nhảy lên bờ đập. Chú chó nhỏ đuổi theo chú ếch, sủa inh ỏi dưới ánh trăng đầu mùa. Làng buồn và vắng. Dưới ánh điện hiu hắt trên đập, những âm thanh rồi cũng tan vào thinh lặng.
Tôi ngồi xuống bờ đập nghe lại một lần dàn đồng ca của loài ếch nhái. Mới năm nào làng tôi tiễn hai đứa trẻ choai choai chết bởi ăn phải độc của cóc nhái. Chúng soi ếch và cóc, về làm, rồi nướng ăn. Những cái chết no nhưng nguyên nhân là đói.
Tôi nhớ lớp học trong ngôi trường cấp hai của tôi. Hồi lớp sáu, tôi có học bài "ếch ngồi đáy giếng". Tôi không phải là con ếch kiêu căng nhưng tôi cũng giống như nó chỉ nhìn thấy bầu trời qua một mảnh giếng nhỏ. Và sắp tới, tôi là chú ếch leo ra khỏi miệng giếng. Tôi có thể bị vấp ngã trên đường nhưng cũng sẽ thấy một bầu trời cao rộng.
- Chị hai ơi! Khi nào chị về chị mua cho em một đôi giày nhé. Giày của em cũ rồi.
- Em ước được ăn sô-cô-la, chị nhớ mua cho em thật nhiều sô-cô-la nhé.
- Mua hai con dê chứ. Bầy dê nhà mình năm ngoái đã chết hết rồi. Phải gầy lại bầy dê chứ…
- Chị tặng trường tụi em quần áo và sách vở nữa nhé.
Mảnh trăng lưỡi liềm đã lên cao một chút. Tôi vẫn còn ngồi trên bờ đập. Gió đồng mát lạnh. Tiếng ếch nhái ễnh ương kêu làm tôi thấy buồn. Nhà tôi nghèo quá, làng tôi cũng nghèo quá! Những giọt nước mắt của tôi lăn xuống môi tôi.
Tôi phải khóc bây giờ, trên quê hương tôi. Vì vài ngày nữa thôi, nếu có khóc tôi phải khóc trên xứ người. Tôi không biết xứ đó buồn hay vui? Thật sự là tôi không biết… Nhưng tôi biết một điều, dù chỉ là một chú ếch nhỏ, tôi cũng phải tiến lên.
Trước hết, phải nói đây là truyện ngắn theo đúng chủ đề "Người lao động hôm nay". Nhân vật chính là một cô gái, vừa mới tốt nghiệp THPT, không chọn con đường vào đại học, mà đi xuất khẩu lao động, để giúp đỡ gia đình cũng như làng xóm.
Có vẻ như là một mô-típ cũ, nhưng ở đây tác giả đã khéo léo khi chọn một điểm rơi thích hợp. Đó là mô tả tâm trạng của nhân vật trước ngày rời khỏi làng quê. Hình ảnh của tương lai là những thước phim được phóng tới, gây choáng động tâm trí. Nhưng hình ảnh đó dù đẹp đẽ thế nào vẫn không lấn át đi được hình ảnh quê nghèo lam lũ hiện tại. Chỉ ngày mai thôi, cô gái sẽ rời xa nơi này, nhưng chắc chắn một điều, nó sẽ còn ở mãi trong trái tim cô.
Một mình, rời khỏi nhà, đi khắp quanh làng trong một buổi chiều muộn, để ngắm mảnh trăng xanh buồn bã cuối làng. Cô gái như làm một nghi thức của sự tiễn biệt. Khi một mình đó, cô nhìn ngắm và nghe được những âm thanh mà cả quãng đời đã qua cô chưa từng trải nghiệm.
Và, người đọc cũng nhờ đó mà nhận ra vẻ đẹp bình dị của cuộc sống vốn lam lũ này.
Trần Nhã Thụy
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)