Với xu hướng thay đổi của truyền hình thế giới, diện mạo truyền hình Việt cũng sẽ thay đổi?
Khán giả Việt đã bội thực các chương trình truyền hình nhàm chán và họ cần những đổi mới. Cộng hưởng các yếu tố, hy vọng một cú đột phá của chương trình truyền hình bắt đầu. Sức hút của "Siêu trí tuệ Việt" đang phát sóng cho thấy khán giả đón nhận thế nào với những chương trình truyền hình mới mẻ, sạch sẽ và ý nghĩa.
"Siêu trí tuệ" vốn là game show lan tỏa khắp thế giới với những phiên bản quốc tế ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mua bản quyền sản xuất và phát sóng chương trình này từ EndermolShineGroup - Đức (bởi DID TV).
Ngay sau khi tập đầu tiên ra mắt, chương trình thiên về trí tuệ này như "cục nam châm" thu hút mọi sự chú ý. Khán giả không phải chán ngánvới những lời dẫn vô nghĩa, nhạt nhẽo của MC; không phải chứng kiến những cuộc đấu đá trẻ con của người chơi, kiểu hạ bệ rẻ tiền, để giành phần thắng. Những con người thực tài, độc đáo, lạ lẫm đã chinh phục hoàn toàn người xem bởi trí tuệ siêu việt, ít nhất là khả năng tập trung cao độ của họ.
Cách Diệu Linh (17 tuổi) nhận diện chính xác 2/3 trong số 100 bức ảnh sân bay chụp từ vệ tinh (với 30 phút ghi nhớ trước đó) hay cậu bé 14 tuổi Phước Vinh với khả năng ghi nhớ 1.000 sự kiện lịch sử của Việt Nam và thế giới trong vòng 20 phút; cách truy tìm vân tay của Phương Nghi, cỗ máy rubik của Ngọc Thịnh, khả năng tính nhẩm thần sầu của cậu bé 12 tuổi Gia Hưng, khôi phục mảnh vỡ của Sơn Tùng, địa cầu siêu không gian của cậu bé 7 tuổi đã học toán lớp 7 Thế Anh hay tốc độ xử lý chóng mặt của chàng sinh viên Việt Hoàng - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với thử thách bách khoa siêu ô chữ... cho thấy khả năng hiếm có của họ.
Giám đốc nội dung DID TV, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, bày tỏ: "Mong xã hội sẽ cùng chung sức khuyến khích những tài năng này phát huy khả năng của họ, tạo điều kiện để họ có những cơ hội đóng góp cho cộng đồng bằng công việc phù hợp nhất". Khán giả truyền hình cũng ủng hộ nhiệt tình những chương trình thế này với sự phấn khích: "Hãy tổ chức những cuộc thi trí tuệ tương tự để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam".
"Một trăm triệu một phút" cũng được yêu thích bởi sự tử tế
Đến nay, những chương trình hẹn hò trên sóng truyền hình vẫn đang được các đơn vị sản xuất truyền hình khai thác. Hàng loạt phiên bản hẹn hò ra đời khiến cho sóng truyền hình Việt trở thành nơi tìm kiếm người yêu với những câu chuyện riêng tư.
Lần đầu tiên, Việt Nam có một chương trình truyền hình hẹn hò mua bản quyền từ Mỹ với tên gọi Baggage. Đây là chương trình mà người chơi không phô diễn ưu thế để lấy cảm tình người xem như những gì đang diễn ra. Thay vào đó, người chơi sẽ nói những điểm yếu của bản thân để đi tìm sự đồng cảm, sẻ chia. Thẳng thắn từ chối và nói lời yêu là những gì mà chương trình đem lại.
Thật ra, show hẹn hò này không mới nhưng cái mới là ngay từ bản gốc, chương trình đã đề cao yếu tố "tử tế và không scandal". Chương trình khuyến khích người khác mạnh dạn bày tỏ điểm yếu của bản thân với thông điệp "điều có thể giúp hai người ở cạnh nhau chính là chấp nhận khuyết điểm của nhau". Khán giả mong đợi một chương trình thật sự thực tế chứ không phải đưa giai nhân mỹ nam ra để câu view như nhiều chương trình thời gian gần đây.
Đúng như tên gọi, chương trình "Việc tử tế" thu hút sự chú ý của người xem bởi những câu chuyện, tấm gương người tốt việc tốt gửi đến khán giả. Điều đáng chú ý là những nhân vật trong "Việc tử tế" luôn lặng lẽ làm việc có ích cho đời, không muốn "lên báo" hoặc nêu tên vì họ cho rằng những việc đó là bình thường, không đáng kể.
Với sức lan tỏa của mình, "Việc tử tế" đã khơi nguồn cảm hứng cho ngày càng nhiều nghĩa cử cao đẹp trong xã hội, gieo yêu thương bằng những câu chuyện giản dị, mộc mạc đầy tình người, hướng mọi người đến cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về cuộc sống.
"Việc tử tế" là một chương trình lấy nước mắt người xem vì những điều tử tế
Thật ra, những chương trình thiên về trí tuệ vẫn luôn có sức sống như cách tồn tại 15 - 20 năm của "Đường lên đỉnh Olympia", "Ai là triệu phú", "Một trăm triệu một phút"... Vấn đề là nhiều nhà sản xuất vẫn chạy theo lợi nhuận tức thời để làm ra những chương trình vô nghĩa. Song, với sự thất thế chung của những chương trình như vậy trên thế giới, chương trình truyền hình thực tế Việt cũng không tránh khỏi. Điều đó tạo nên những kỳ vọng về sự mới mẻ và thực sự chất lượng của truyền hình Việt trong thời gian tới.
Bình luận (0)