Khán giả đã thích thú khi xem những trích đoạn cải lương hay do các diễn viên thi nhau khoe tài, bởi những vai diễn đã được tính toán theo hướng khai thác triệt để sở trường của nghệ sĩ.
Chạm đến cảm xúc người xem
Sự kết hợp trình diễn của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc nhằm quảng bá cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022" đã mở ra một tín hiệu lạc quan cho sân khấu cải lương - không còn bó hẹp phạm vi các tỉnh, thành phía Nam mà có thể kết hợp các nghệ sĩ trong cả nước.
NSƯT Thiên Hoa ở Nhà hát Cải lương Việt Nam vào TP HCM trình diễn dịp này đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của Nhà hát Trần Hữu Trang để vai diễn của cô trong trích đoạn "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" thật sự tỏa sáng. Hay nghệ sĩ Hải Linh đến từ TP Cần Thơ cũng nhận được sự hỗ trợ của vũ đoàn Việt Hải, với trích đoạn ca ngợi ông bầu kiêm soạn giả cải lương, thà chết chứ không viết tuồng phản nước, hại dân trong trích đoạn "Miền nhớ" của tác giả Lê Duy Hạnh.
NSƯT Thiên Hoa và NSƯT Trọng Bình trong trích đoạn “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long” vừa công diễn tại TP HCM
Nghệ sĩ kép độc Khánh Tuấn đến từ Đoàn Cải lương Thanh Nga thì nhận được sự hỗ trợ đắc lực của NSƯT Tâm Tâm, để cả hai vai diễn chạm đến cảm xúc người xem trong trích đoạn "Hương sứ Hòn Đất". Nghệ sĩ Khánh Tuấn tâm sự sau suất diễn: "Vai Sâm, tên ác ôn giết hại chị Sứ ở Hòn Đất - Kiên Giang, là vai kép độc tôi thích nhất trong trích đoạn "Hương sứ Hòn Đất". Diễn vai phản diện bị khán giả ghét mà tôi hạnh phúc, khi nhân vật bị tử hình khán giả vỗ tay mà tôi sung sướng".
Diễn viên Võ Thành Phê bộc bạch: "Làm nghệ sĩ bắt buộc phải sáng tạo không ngừng, bản thân tôi luôn tranh thủ cơ hội làm nghề mỗi khi có dịp, một trong những cơ hội quý giá để được hành nghề là phải mạnh dạn tham gia các cuộc thi để duy trì hoạt động sàn diễn. Những cuộc thi này thường tập hợp đầy đủ nghệ sĩ đồng nghiệp với các vai sở trường như độc, mùi, lẳng, hài, võ… nên sẽ là dịp rất tốt để tôi học hỏi, nâng cao tay nghề".
Kỳ vọng một tác phẩm kết hợp
Các nhà chuyên môn cho rằng sân khấu cải lương không chỉ dừng lại với các trích đoạn đoạt huy chương của cuộc thi Trần Hữu Trang mà khán giả kỳ vọng Nhà hát Trần Hữu Trang sẽ chọn một số kịch bản xuất sắc, mời đạo diễn giỏi nghề thực hiện những tác phẩm giá trị có sự kết hợp độc đáo nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc. Thời gian qua có không ít vở diễn cải lương do các nghệ sĩ phía Bắc trình diễn đã được khán giả cả nước nói chung, khán giả phía Nam nói riêng đón nhận.
Năm 2014, lần đầu tiên một vở cải lương của đoàn phía Bắc được khán giả TP HCM nồng nhiệt đón nhận, trong đó bạn đọc Báo Người Lao Động đã bầu chọn Giải Mai Vàng, đó là vở "Chuyện tình Khau Vai" - được dàn dựng từ kịch bản thơ của tác giả PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, do NSND Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và dàn dựng.
Năm 2015, cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc ở tỉnh Bạc Liêu, nhiều vở diễn của các đoàn cải lương phía Bắc đã được các nghệ sĩ cải lương miền Nam đánh giá cao như: "Vua thánh triều Lê", "Yêu là thoát tội", "Những người con Thạch Thành thuở ấy"…
Đặc biệt, vở "Mai Hắc Đế" do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng đã chinh phục được hầu hết khán giả yêu cải lương trong những đợt lưu diễn miền Nam.
Gần đây, vở "Hừng đông" - vở cải lương về cuộc đời người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu - cũng tạo dấu ấn đậm nét và nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông (5.5.1902-5.5.2022), VTV1 đã phát sóng vở diễn phục vụ đông đảo khán giả cả nước.
Ngày 19-5, vở "Nước non vạn dặm" của Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ ra mắt vào dịp sinh nhật Bác. Theo đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên, vở có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với những yếu tố âm nhạc, biểu diễn hình thể, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại để hướng tới đối tượng trẻ… và sẽ lưu diễn tại tỉnh Nghệ An, TP HCM.
Các nghệ sĩ cho rằng sân khấu cải lương TP HCM đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022" chứng tỏ thông điệp "quyết tâm phục dựng nghệ thuật cải lương", do vậy cần chung tay tìm hướng đi phù hợp để làm mới cải lương, tìm kiếm kịch bản hay, xây dựng những tác phẩm chung cho nghệ sĩ cả nước cùng nhau tỏa sáng.
Theo NSND - đạo diễn Triệu Trung Kiên, đã có sự phối hợp khéo léo giữa cải lương truyền thống với âm nhạc, những phá cách trong diễn xuất và hình thức dàn dựng, vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ sớm có những tác phẩm chung cho nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc cùng nhau phô diễn tài nghệ, tạo sự tương tác giữa các thế hệ làm nghề.
Bình luận (0)