Liên tiếp nhiều truyện khác nhau của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được lên màn ảnh rộng, phim nào cũng rất thành công. "Thiên thần nhỏ của tôi" là cuốn sách tiếp theo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, sẽ lên màn ảnh rộng trong năm 2019.
"Chất" Nguyễn Nhật Ánh
Sau những tác phẩm nổi bật "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đạo diễn: Victor Vũ), "Cô gái đến từ hôm qua" (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh), "Ngồi khóc trên cây" (nhà sản xuất Chung Minh), "Mắt biếc" (Victor Vũ) và bây giờ là "Thiên thần nhỏ của tôi". Trong truyện "Thiên thần nhỏ của tôi", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi thơ của đôi bạn Kha và Hồng Hoa trong khu vườn ngọt ngào và rộn tiếng chim, rất nhiều tình huống đáng yêu của tuổi học trò, phiên bản điện ảnh do diễn viên Hạnh Thúy làm đồng đạo diễn với Khương Phan.
"Thiên thần nhỏ của tôi" từng được dàn dựng trên Sân khấu Kịch Hồng Hạc(Ảnh do Sân khấu Kịch Hồng Hạc cung cấp)
Dù văn học là chất liệu tốt để đưa lên màn ảnh rộng nhưng cũng phải nói ngay rằng để đưa tác phẩm đến với công chúng của văn học và điện ảnh là hai con đường khác hẳn nhau. Thế nên nhiều trường hợp tác phẩm văn học thành công rực rỡ mà vẫn rất khó đến với khán giả màn ảnh rộng, chẳng hạn "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư.
Riêng với trường hợp của nhà văn "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", chỉ có thể lý giải chính "chất" Nguyễn Nhật Ánh đã khiến tác phẩm nào của ông khi chuyển thể thành phim điện ảnh cũng thành công rực rỡ, thu hút sự chú ý của khán giả Việt Nam.
Đạo diễn - biên kịch Việt Linh, phụ trách phần biên kịch cho bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và bây giờ là "Thiên thần nhỏ của tôi" cho biết mình có mối đồng cảm sâu sắc với "chất" Nguyễn Nhật Ánh, đã ấp ủ ý tưởng đưa "Thiên thần nhỏ của tôi" đến với khán giả từ hơn 10 năm trước.
"Thật ra, một trong những lý do mà tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành công và luôn nằm trong trái tim người đọc chính là vì những câu chuyện của anh rất bình thường. Tôi chỉ cố gắng làm nên một bộ phim thật bình thường, giản dị, chân thật giàu cảm xúc với vài chấm phá về cách kể chuyện khác biệt để diễn tả sự mơ mộng của nhân vật. Tôi nghĩ cái khó nhất của bộ phim chính là tạo nên những cảm xúc lãng đãng từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói.
Truyện dài "Ngồi khóc trên cây" năm 2017 được nhà sản xuất Chung Minh mua bản quyền chuyển thể thành phim điện ảnh cũng bởi "chất" Nguyễn Nhật Ánh đậm nét. Mặc dù câu chuyện có nhiều chi tiết khốc liệt thay vì lãng mạn, nhẹ nhàng như phong cách quen thuộc của Nguyễn Nhật Ánh nhưng cốt lõi vẫn là thế giới tình cảm tuổi mới lớn, éo le nhưng trong sáng, vừa sâu sắc vừa lãng mạn.
Theo khảo sát trên fanpage của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có tới hơn 2.000 người đóng góp ý kiến về việc có nên hay không chuyển thể "Mắt biếc", tỉ lệ áp đảo thuộc về hơn 1.800 người đồng ý chuyển thể thành phim bởi tin chắc vào "chất" Nguyễn Nhật Ánh và rất chờ đợi để "tác phẩm được sống thêm một cuộc đời khác". Chỉ có khoảng hơn 250 người không đồng tình và không có ý kiến. Những độc giả không đồng ý cho rằng khó có thể truyền tải hết cái đẹp trong câu chuyện tình buồn của hai nhân vật chính. Số khác lại cho rằng tìm được nhân vật phù hợp để diễn được vai Hà Lan không dễ dàng.
Bảo chứng về doanh thu?
Năm 2019 tới, khán giả màn ảnh rộng có cơ hội cùng lúc được thưởng thức cả "Ngồi khóc trên cây" và "Thiên thần nhỏ của tôi". Liệu tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có phải là bảo đảm chắc chắn doanh thu cho các nhà làm phim? Thực tế cho thấy phim nào chuyển thể từ sách của Nguyễn Nhật Ánh cũng không những gây dấu ấn đậm nét về văn hóa mà còn đạt hiệu quả cao về thương mại. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" có doanh thu hơn 80 tỉ đồng, còn "Cô gái đến từ hôm qua" cũng có doanh thu hơn 70 tỉ đồng.
"Nhà văn và các đạo diễn, biên kịch cùng làm công việc sáng tác, mỗi người có khung trời sáng tạo của mình, tôi tôn trọng điều đó. Nhà văn hãy làm tốt nhất nhiệm vụ viết văn của mình còn việc của điện ảnh cứ để các đạo diễn và biên kịch lo. Ê-kíp làm phim có quyền làm những gì tốt nhất cho tác phẩm điện ảnh nhưng tôi chỉ đề nghị giữ đúng tinh thần và thông điệp của tác phẩm. Phim đạt doanh số cao chắc chắn do đạo diễn và đoàn phim đã làm rất tốt nhiệm vụ của họ. Qua hai phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và "Cô gái đến từ hôm qua", tôi thấy đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Victor Vũ đều là các đạo diễn lao động nghệ thuật rất nghiêm túc, nhiều sáng tạo" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá.
Tìm kiếm dàn diễn viên "nhí" phù hợp
Để chuẩn bị cho ngày bấm máy dự kiến diễn ra vào tháng 9-2018, đoàn phim cho biết đang tìm kiếm dàn diễn viên "nhí" phù hợp. Trong đó, vai nữ chính - Hồng Hoa từ 5-7 tuổi, phải có tóc dài, lúm đồng tiền, biết hát, biết thêm múa là lợi thế. Vai nam chính - Kha, từ 8-10 tuổi, có chiều cao trung bình (dưới 1,5 m), thân hình hơi mũm mĩm, mắt to tròn. Vai nam thứ - Khánh tuổi từ 10-12, tướng thể thao, khỏe mạnh (cao dưới 1,6 m), nhanh nhẹn, hoạt bát. Và 2 vai nam phụ: Lâm, Quý tuổi từ 10-13, thân hình thể thao, khỏe mạnh (cao dưới 1,62 m), nhanh nhẹn, hoạt bát.
Đặc biệt, cả 5 diễn viên phải nói giọng chuẩn miền Nam, phát âm rõ vì phim thu tiếng trực tiếp. Hai vai chính đòi hỏi có năng khiếu diễn xuất và cảm thụ âm nhạc, còn 3 vai phụ cần có năng khiếu diễn xuất và thể thao.
Bình luận (0)