Cũng dịp này, phương tiện giao thông Nam - Bắc trở nên căng thẳng vì hàng triệu lượt người về quê ăn Tết sau một năm hay vài năm làm ăn ở "đất khách quê người". Sau Tết, sự căng thẳng theo chiều ngược lại, nhiều nhà máy, khu công nghiệp phải qua rằm tháng giêng mới có thể hoạt động bình thường. Và "Tháng giêng là tháng ăn chơi" nên kể cả công ty, cơ quan nước ngoài cũng phải "nhập gia tùy tục".
Có thể coi đây là trường hợp tiêu biểu thể hiện "mâu thuẫn" giữa "văn hóa truyền thống" với sự thay đổi và phát triển kinh tế ngày càng nhanh trong xu hướng hội nhập quốc tế. Những ý kiến tranh luận quanh mâu thuẫn này có thể dẫn đến sự loại trừ lẫn nhau không: đã hội nhập thì phải xóa bỏ truyền thống hay bảo tồn truyền thống thì không thể hội nhập?
Mọi nền văn hóa đều có sự tiếp nhận, thay đổi và sáng tạo trên nền tảng bảo tồn giá trị cốt lõi của truyền thống. Những giá trị mới qua sự chọn lọc của thời gian và tiêu chí từng thời đại sẽ trở thành truyền thống trong một thời đại mới. Vì vậy, truyền thống và hội nhập không đối lập mà là hòa hợp, văn hóa và kinh tế không kìm hãm nhau mà cùng phát triển...
Những hiện tượng văn hóa trên đây có phần cản trở sự phát triển của xã hội là do chưa thoát khỏi "cái bóng của quá khứ". Tính truyền thống mang lại sự an toàn, yên ổn nhưng lâu dài gây ra sự trì trệ, lạc hậu. Văn hóa truyền thống cần được thực hành với tâm thức hiện đại, chọn lọc và bảo tồn những giá trị cốt lõi chứ không bảo thủ những hình thức và ý nghĩa không còn phù hợp.
Xã hội tiến bộ là một xã hội mà mục tiêu của truyền thống hay hiện đại, của kinh tế hay văn hóa đều nhằm mang lại cho con người một cuộc sống đầy đủ, tinh thần phong phú, tri thức đa dạng, ý thức cộng đồng cao. Mục tiêu này sẽ bảo đảm cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế hiện đại không loại trừ lẫn nhau.
Bình luận (0)