Trong sáng tác văn học - nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc, nhiều tác giả đã vận dụng một cách tinh tế, có chọn lọc khi sử dụng khiến ca từ trở nên đắc địa hơn và phù hợp với giai điệu dân ca của vùng đất đó. Nhờ vậy, khi phổ biến thì ca khúc đó có lợi thế dễ đi vào lòng người.
Ca khúc "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết: "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La". Tương tự, "Mưa trên phố Huế", nhạc sĩ Minh Kỳ đã viết: "Chiều mưa, phố xưa u buồn, có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô". Với từ "mô" dù mang sắc thái địa phương nhưng có lẽ ai cũng hiểu "đâu", "đi mô"/đi đâu, "nơi mô"/nơi đâu (nơi nào) nhằm tạo ra câu nghi vấn.
Không chỉ có thế, nhạc sĩ Phạm Duy với ca khúc "Bên nớ bên ni", có đoạn: "Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ. Phút giây chia lìa, trong lòng cũng phải đèo mong". Bên ni là "bên này", bên nớ là "bên ấy/bên đó". Thế nhưng, ở đoạn khác lại có câu: "Bên tê thành phố tráng lệ, giai nhân nằm khoe lõa thể. Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô". Bên tê lại được hiểu "bên kia". Nói cách khác, ni, nớ, tê tùy theo ngữ cảnh, ta có thể hiểu là bên này, bên nọ, nhằm chỉ hai hướng trái ngược nhau.
Trong ca khúc "Em về với người", nhạc sĩ Mặc Thế Nhân viết: "Bây chừ hết rồi, em về vui bên nớ..." hoặc "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu: "Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi", ta hiểu "chừ" là chỉ thời gian hiện tại như bây chừ/bây giờ. Còn có thể kể thêm đôi từ nữa, chẳng hạn nhạc sĩ Lê Xuân Hòa có ca khúc "Răng anh nỏ về". Răng là "sao/ tại sao", nỏ là "chẳng/không" là một cách đặt câu hỏi.
Sở dĩ chọn thủ pháp này, nghĩ cho cùng tác giả mong muốn ca khúc của mình mang sắc thái của vùng miền đó rõ nét nhất, càng dễ lay động lòng người. Thế nhưng, chỉ chọn lọc một đôi từ thật phổ thông, có tính phổ biến rộng rãi, chứ nếu từ đó có tính riêng biệt ắt ép-phê ngược.
Thí dụ, ca khúc "Thăm biển Cửa Lò" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, có lẽ nhiều người ngẩn tò te khi nghe câu: "Giữa một làng dân nghèo nhưng đẹp biết bao nhiêu khi "dạ" về thuyền đầy khoang tôm cá". Thử hỏi "dạ" là gì mà trong văn bản "Tuyển tập ca khúc Nguyễn Văn Tý" (NXB Văn nghệ TP HCM -1999) phải đặt trong ngoặc kép? Thật ra, "dạ" này là... viết sai chính tả, đúng ra là phải viết "giạ" hay "giã" là từ xứ Nghệ nói về nghề đi đánh cá biển.
Bình luận (0)