Khi sàn diễn cải lương hưng thịnh, để vinh danh người nghệ sĩ (NS), các soạn giả, ký giả kịch trường đã nghĩ đến việc thành lập giải thưởng chuyên nghiệp là Giải Thanh Tâm.
10 năm làm nên tầm vóc
Giải Thanh Tâm tồn tại trong 10 năm (1958-1968), do ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc sáng lập, nhằm khuyến khích tài năng trẻ được sự tán đồng của các soạn giả, nhà báo uy tín thời đó. Hội đồng chấm Giải Thanh Tâm được thành lập.
"Họ đến rạp xem các NS đăng ký tranh giải để tuyển chọn thông qua tài năng ca diễn. Họ xem nhiều suất hát, lắng nghe ý kiến khán giả, xem xét quá trình lao động nghệ thuật của NS ngay từ khi tập dượt. Quan trọng là xét yếu tố đạo đức làm nghề, lối sống, biểu hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo" để chấm giải. Chính những yếu tố này đã làm nên tầm vóc của một giải thưởng kéo dài 10 năm" - soạn giả Nguyễn Phương nhấn mạnh.
Các nghệ sĩ đồng nghiệp đến chúc mừng Thanh Sang, Lệ Thủy đoạt HCV triển vọng Giải Thanh Tâm năm 1964 Ảnh: tư liệu
Thước đo của giải chính là khả năng sáng tạo vượt bậc của NS. Chẳng hạn, NSƯT Thanh Sang lúc đó 21 tuổi đã đóng vai Kim mao sư vương Tạ Tốn trong vở "Cô gái Đồ Long", một vai lão mù lòa, có cá tính độc đáo hoặc NS Thành Được hóa thân xuất sắc vai tướng cướp Thi Đằng, cụt tay trong vở "Tiếng hạc trong trăng".
"Tính phát hiện của hội đồng xét giải huy chương vàng (HCV) triển vọng là nhìn thấy khả năng còn tiến xa của từng NS. Nghĩa là giải thưởng đặt niềm tin kỳ vọng vào chúng tôi. Sau đó, vinh danh HCV xuất sắc khi chúng tôi thật sự chín muồi trong nghệ thuật" - NSND Bạch Tuyết tự hào nhắc đến tầm vóc của Giải Thanh Tâm.
Ưu điểm của NS đoạt HCV Giải Thanh Tâm là mang sắc thái riêng trong ca diễn. Giọng ca không trùng lắp, nội lực diễn xuất sâu sắc và sau khi đoạt giải đã vươn tới những đỉnh cao mới trong nghề.
Nhà báo Trần Tấn Quốc, bút danh Thanh Tâm - người sáng lập giải Thanh Tâm
Có 6 NS đoạt giải HCV xuất sắc: Hữu Phước, Bạch Tuyết, Thành Được, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thanh Hải.
24 NS đoạt giải HCV triển vọng: Thanh Nga (năm 1958); Lan Chi, Hùng Minh (năm 1959); Bích Sơn, Ngọc Giàu (năm 1960); Thanh Thanh Hoa (năm 1961); Ngọc Hương, Ánh Hồng (năm 1962); Bạch Tuyết, Kim Loan (tức Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú (năm 1963); Lệ Thủy, Thanh Sang (năm 1964); Thanh Nguyệt, Bo Bo Hoàng (năm 1965); Phượng Liên, Phương Quang (năm 1966); Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc, Phương Bình (năm 1967).
Thú vị hơn là Giải Thanh Tâm còn trao cho tác giả xuất sắc, bút pháp tài hoa, thu hút công chúng và thuyết phục các nhà chuyên môn. Có 4 vở được trao giải xuất sắc gồm: "Nỗi buồn con gái" (năm 1965 của Hà Triều - Hoa Phượng), "Nước biển mưa nguồn" (năm 1966 của Nguyễn Thành Châu), "Tiếng hạc trong trăng" (năm 1966 của Yên Ba - Loan Thảo). Các tác phẩm này đã góp phần vun bồi tài năng để NS tỏa sáng trên sàn diễn, thị trường băng đĩa thời đó.
"Điều làm nên uy tín của Giải Thanh Tâm là không có nạn bè phái, lợi ích nhóm. Tiêu chí xét giải hết sức minh bạch, công tâm. Cho đến ngày nay, các NS đoạt HCV đều giữ được giá trị của sự đánh giá đó" - NSND Huỳnh Nga khẳng định.
Giải Trần Hữu Trang nỗ lực từng mùa
Kế thừa từ thành quả Giải Thanh Tâm, Giải thưởng Trần Hữu Trang, do Hội Sân khấu và Báo Sân khấu TP HCM tổ chức ra đời năm 1991, tác giả Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM thời đó - khởi xướng, được diễn ra theo hình thức tập hợp các NS thể hiện tài năng qua một trích đoạn vì thời điểm đó ít vở mới đúng tầm nghệ thuật.
"Trong 11 lần tổ chức, giải phát hiện nhiều tài năng như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Cẩm Thu, Phương Hồng Thủy, Vân Hà, Châu Thanh, Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Tú Sương, Trinh Trinh, Tâm Tâm, Quế Trân... Giải đã vượt qua nhiều hạn chế để duy trì chuẩn mực ca diễn của cải lương chuyên nghiệp" - NSND Bạch Tuyết, chủ tịch hội đồng giám khảo nhiều năm liền của Giải Trần Hữu Trang, nhìn lại.
Trong 61 diễn viên đoạt HCV triển vọng Giải Trần Hữu Trang, chỉ có 5 NS sau đó được trao giải HCV xuất sắc: Vũ Linh, Phượng Hằng, Hoàng Nhất, Hải Yến và Vũ Luân.
Các nghệ sĩ trẻ được trao giải HCV Triển vọng Trần Hữu Trang. Ảnh: Thanh Hiệp
Do đời sống sàn diễn biến động, một số diễn viên sau khi đoạt HCV đã bỏ nghề, có người chuyển qua hát tân nhạc, có người làm bầu sô. Giải Trần Hữu Trang trên thực tế chỉ còn mang tính phong trào trong tình trạng sân khấu cải lương rơi vào thoái trào, đất diễn của NS bị thu hẹp. Việc chấm giải qua trích đoạn được rèn luyện trong khuôn khổ cuộc thi, cũng chỉ dừng lại ở việc tỏa sáng với vai diễn đó, còn độ bền bỉ với nghề thì chông chênh vì nền tảng yếu khi không được cọ xát thường xuyên. Đây là hạn chế khiến 4 năm qua, Giải Trần Hữu Trang chưa thể khởi động lại.
Từ những thành tựu của 2 giải thưởng, NS sân khấu cải lương và công chúng mộ điệu vẫn kỳ vọng vào sự trở lại đầy sáng tạo của Giải Trần Hữu Trang, mục đích lớn hơn là góp phần tìm kiếm giải pháp để sàn diễn cải lương sáng đèn. Viên ngọc quý của nghệ thuật cải lương sẽ luôn được mài giũa bởi các thế hệ NS yêu nghề, sống và lao động nghệ thuật tử tế khi được thừa hưởng di sản từ tiền nhân để lại.
Nâng tầm Giải Trần Hữu Trang
Hội Sân khấu TP HCM đang dồn tâm sức để chuẩn bị khởi động mùa Giải Trần Hữu Trang lần thứ 12, có thể vào đầu năm 2019. NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho biết: "Hội đã làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội NS Sân khấu Việt Nam đưa Giải Trần Hữu Trang vào khuôn khổ các giải thưởng cấp quốc gia, để HCV của giải được đưa vào xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND như các HCV của liên hoan, hội diễn do bộ tổ chức. Đồng thời, mùa giải mới sẽ mở rộng cho NS ở nhiều độ tuổi tham gia, không phân biệt đơn vị quốc doanh hay xã hội hóa, để họ có điều kiện tranh tài".
Bình luận (0)