Nghệ sĩ (NS) Minh Tơ là kép chánh nổi danh của vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ đầu thế kỷ XX. Sinh ra tại làng An Ngãi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sinh năm 1922, mất 1984), ông đến với nghệ thuật cải lương và gắn bó với gánh hát Vĩnh Xuân của cha. Vốn năng động, ông nhanh chóng tiếp nối sự nghiệp của cha làm bầu gánh.
Người đặt nền móng cho cải lương tuồng cổ
NSND Đinh Bằng Phi nhớ lại: "Từ năm 5 tuổi, NS Minh Tơ đã đóng vai Lưu Kim Đồng trong tuồng "Thất hiền quyến", sau đó được dạy đóng các vai kép con, kép trẻ, kép râu, vai lão... Giai đoạn từ năm 1954 - 1955 ông về hát cho Đoàn Cải lương Phụng Hải, chuyên hát tuồng Tàu, sau đó về gánh hát Vĩnh Xuân Ban của cha.
NS Minh Tơ nổi danh qua các vai: Lã Bố, Dương Tôn Bảo, Quan Công, Cao Hoài Đức, Hoàng Phi Hổ, Bá Lý Hề... Năm 1940, ông đã được công chúng bầu chọn là kép hát bội xuất sắc nhất Sài Gòn. Chính nghề hát bội đã dạy ông vũ đạo, kiến thức ca diễn rồi ông khám phá nhiều trình thức mới, làm nên nét đặc trưng cho gánh hát của mình".
Chân dung nghệ sĩ Minh Tơ Ảnh: TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Trong đoàn hát của gia tộc Vĩnh Xuân, NS Khánh Hồng và NS Minh Tơ được xem là hai cột trụ. Năm 1939, ông Bầu Thắng mất nhưng mãi đến năm 1945, bà Bầu Thắng mới đổi tên gánh hát thành "Vĩnh Xuân Ban - Khánh Hồng".
"Ðúng ra NS Minh Tơ đứng tên bảng hiệu vì ông mê hát hơn mê nghiệp làm bầu nên nhường gánh cho Khánh Hồng và Hoàng Nuôi - em rể, đặt tên gánh là "Nuôi Tơ". Cô Bảy Sự, em ruột của nữ diễn viên tài danh số 1 của ngành hát bội là NSND Năm Ðồ (dâu của ông bầu Cung và bà Tư Châu, Tấn Thành Ban, Cầu Muối - PV). Hai nữ NS hát bội Năm Ðồ và Bảy Sự về tài năng và sắc vóc được ví như các nữ NS Năm Phỉ, Phùng Há bên ngành cải lương. Hai bà chính là khuôn mẫu cho các thế hệ nữ diễn viên của gia tộc này noi theo mà thăng tiến trong đạo hát" - soạn giả Nguyễn Phương kể lại.
NS Minh Tơ thành lập nhóm Đồng ấu Minh Tơ trong 3 năm từ 1959 - 1961. Ban đầu ông quy tụ con cháu NS trong đoàn để truyền nghề. Ông là người thầy mẫu mực, định hướng thế hệ tài năng trẻ sẽ tiếp nối mình hoạch định diện mạo cải lương tuồng cổ, gồm: Thanh Tòng, Thanh Thế, Bo Bo Hoàng, Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Loan, Bạch Lê, Bửu Truyện, Hữu Lợi, Đức Lợi, Minh Tâm, Thanh Sơn, Công Minh, Chí Bảo…
"Khi đó, dự báo trước những thăng trầm của sân khấu, ông nghĩ muốn tồn tại phải đáp ứng nhu cầu và chiều theo thị hiếu của khán giả đang ngày một thay đổi theo trào lưu cách tân. Trong 3 thập niên 1930 - 1950, ông cố nội của tôi là NS bầu Thắng đã ủng hộ con trai mình là NS Minh Tơ cải tiến hát bội pha cải lương" - NSƯT Quế Trân nói mình được truyền dạy như thế.
Bắt kịp xu hướng canh tân
Gia đình NS bầu Thắng - Minh Tơ từ đó đã "khai sơn phá thạch" xây dựng loại hình nghệ thuật bắt kịp xu hướng canh tân: Hát bội pha cải lương, sau đó là cải lương pha Hồ Quảng. Khi phim ảnh một số nước lân cận thâm nhập Sài Gòn, NS Minh Tơ và em trai là nhạc sĩ Đức Phú vận dụng những bài bản của các nước, phần lớn của Trung Hoa, để tạo sức hút cho các vở tuồng. "Ông chắt lọc cái hay, tinh hoa của văn hóa xứ người, chế biến thành cái hay của sân khấu mình. Từ đó, ông vẽ ra hướng đi mới cho cải lương tuồng cổ" - NSND Đinh Bằng Phi thán phục.
NSND Thanh Tòng và NSƯT Quế Trân trong vở “San hậu” Ảnh: THANH HIỆP
Chính vì nền tảng của gia tộc vững vàng, ý chí kiên định trong việc hun đúc "đạo hát" nên thế hệ nào cũng có người tài giỏi. NSND Thanh Tòng tiếp nối cha đã vận dụng những bài bản tuồng cổ mới của nhạc sĩ Đức Phú, mạnh dạn đưa những bài bản đờn ca tài tử, những điệu lý dân ca Nam Bộ vào vở diễn để hình thành phong cách âm nhạc của cải lương tuồng cổ. Ông sáng tác hàng trăm kịch bản với chủ trương bỏ dần tính biền ngẫu, từ Hán - Nôm, thay vào đó ngôn ngữ dễ hiểu trong lời ca, câu thoại. Ông mở rộng đề tài kịch bản, chủ trương khai thác lịch sử Việt Nam với tinh thần chống giặc ngoại xâm, đỉnh cao là: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Ngọn lửa Thăng Long", "Má hồng soi kiếm bạc", "Bức ngôn đồ Đại Việt"… Ngày nay, thế hệ con cháu của gia tộc Minh Tơ - Thanh Tòng vẫn tiếp tục sự nghiệp của cha ông, gìn giữ và phát huy những tinh hoa dòng chảy rất đặc trưng của gia tộc mình trong lịch sử 100 năm của cải lương. Điều đặc biệt là gia tộc này luôn dạy con cháu đặt chữ "Tâm" lên hàng đầu, không vì lợi danh, xem nghề hát là "đạo" để chuyển tải tư tưởng nhân nghĩa, hướng người xem tránh xa điều ác.
Gia tộc có nhiều nghệ sĩ tài danh
Ông bà Bầu Thắng có 7 người con, trong số đó có 5 người là NS tài danh: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai (mẹ của NSƯT Thành Lộc), Bạch Cúc và Ðức Phú.
Nhạc sĩ Ðức Phú chơi guitar và piano rất giỏi nên đã ký âm những bài nhạc của các nước, sau đó chuyển thể thành âm nhạc tuồng cổ Việt Nam.
NS Huỳnh Mai có chồng là NSND Thành Tôn. Bà được truyền nghề rất sớm và nổi bật với vai đào văn, đào võ. Bà có 6 người con đều là những NS nổi danh: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lý, Bạch Lựu, Bạch Long và Thành Lộc. Tất cả đều là NS tài danh của sân khấu Việt Nam, làm rạng danh gia tộc bằng việc giữ vững tinh thần làm nghề.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-10
Kỳ tới: Tuồng hay nhờ tay "bầu" giỏi
Bình luận (0)