Trong lịch sử hình thành và phát triển cải lương, nhắc đến nghệ sĩ tiền phong có công khai sáng nền ca kịch cải lương không thể thiếu tên tuổi của NSND Nguyễn Thành Châu - tức Năm Châu. Năm Châu đứng đầu trong số những người đặt nền móng cho cách viết và dựng những kịch bản cải lương về đời sống đương đại. Nền tảng đó vẫn đang là khuôn mẫu cho người làm sân khấu ngày nay.
Chủ trương cải cách để tiến bộ
Cha là công chức Tòa Bố, vì mích lòng tỉnh trưởng người Pháp nên bị thuyên chuyển làm việc ở Phú Quốc. Lúc đó, ông đang học tại Trường Trung học Mỹ Tho. Nhân dịp hè ra Phú Quốc thăm cha, đến ngày tựu trường, vì bão tố, tàu bè không thể trở về đất liền kịp, ông bị đuổi học. Gia đình định cho ông tiếp tục học tại Trường La San Taberd Sài Gòn nhưng ông quyết định tự lập, theo nghiệp sân khấu, gia nhập gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho (năm 1922).
NSND Năm Châu và NSND Phùng Há - hai nghệ sĩ đã có nhiều vai diễn xuất sắc trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu Ảnh: tư liệu
Sau đó, NSND Năm Châu cộng tác với gánh hát Huỳnh Kỳ, sáng tác các tuồng: "Tội của ai", "Ngọn cờ hiệp sĩ" (1927), "Tiếng nói trái tim" (1928), "Bằng hữu binh nhung" (phóng tác tiểu thuyết "Les trois mousquetaires" - "Ba chàng lính ngự lâm" - của Alexandre Dumas cha), "Hồn chinh phụ" (1930), "Tố Hoa Nương", "Đêm không ngày"… gây tiếng vang lớn. Ông sớm nhận biết khán giả không thích tuồng quá nhiều Hán tự, cách ca diễn ủy mị, rề rà, nội dung không phản ánh hiện thực cuộc sống, do vậy ông chủ trương cải cách.
Thời kỳ rực rỡ nhất của ông chính là thành lập Đoàn hát Việt Kịch Năm Châu (năm 1952 -1955). Với vở "Tây Thi gái nước Việt" do ông làm đạo diễn, kiêm diễn 2 vai Ngô Phù Sai, Phạm Lãi gây tiếng vang lớn về nghệ thuật ca diễn cải lương cải tiến, cuốn hút khán giả thời đó.
Ban đầu đoàn cũng gặp nhiều khó khăn, vì khán giả chưa quen với cách làm mới, họ chê rằng: "Coi hát mà cứ nghe thoại kịch, lâu lâu mới có bài ca". Nhưng ông vẫn kiên trì đường lối cải cách. Dù đời sống vô cùng khó khăn, nhà nghèo lại đông con, ông còn lo nồi cơm chung cho tập thể. NSND Huỳnh Nga bái phục kể: "Ông vay nợ mua một xưởng cưa bên cầu Bông (thuộc quận Bình Thạnh ngày nay - PV) lập hậu cứ cho đoàn. Giai đoạn này, ông bỏ tiền mời thầy về dạy chữ quốc ngữ cho tất cả thành viên trong đoàn, ai chưa biết đọc, biết viết đều phải học để "xóa dốt chữ thì mới làm nghề thăng hoa, tiến bộ".
NSND Năm Châu từng công nhận ông học được nhiều kinh nghiệm quý trong đời là nhờ thầy Năm Tú. Ông đã đưa vào sáng tác văn hóa đối thoại dễ hiểu được phóng tác theo tiểu thuyết Anh, Pháp nhằm phổ biến trào lưu tư tưởng tiến bộ của phương Tây, áp dụng tiến bộ nghệ thuật và kỹ thuật khoa học để làm giàu cho cải lương.
Từ nền tảng này, kịch bản cải lương đã bỏ dần những câu văn biền ngẫu, khiến nghệ sĩ lệ thuộc động tác gò bó, trịnh trọng. Cách đối thoại theo thể văn xuôi của ông đã bắt đầu đưa cuộc sống đương đại lên sàn diễn.
Ông tung ra loạt tuồng phóng tác theo các tiểu thuyết nổi tiếng hoặc kịch kinh điển của văn học Pháp, như: "Giá trị và danh dự" (phóng tác "Le Cid" của Pierre Corneille), "Túy hoa vương nữ" ("Marie Tudor" của Victor Hugo), "Áo người quân tử" (L’homme en habit), "Miếng thịt người" (Le marchand de Venise), "Gió ngược chiều" (Ruy Blas), "Tơ vương đến thác" (La dame aux camélias)…
Ở hoạt động điện ảnh, ông thực hiện các phim chuyển thể từ các vở cải lương và ông là người đầu tiên thực hiện lĩnh vực chuyển âm, lồng tiếng cho các phim nước ngoài (năm 1950-1960) tại Sài Gòn.
Giáo sư kịch nghệ đầu tiên
Đầu 1960, sân khấu cải lương có sự chuyển biến lớn, sự xuất hiện của những giọng ca vàng khiến thế hệ của ông phải nhường bước cho lớp trẻ ca vọng cổ xuất sắc được khán giả ưa chuộng như: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Út Hiền, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Nga… đã chiếm lĩnh sân khấu cải lương và các hãng dĩa.
Ông được mời làm giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM) từ năm 1962, là giáo sư kịch nghệ khóa đầu tiên của trường này. Với tinh thần dạy nghề hết lòng vì nguồn nhân lực cho sân khấu, ông là bậc thầy trong việc đúc kết những kinh nghiệm giảng dạy nghệ thuật cho thế hệ nhà giáo của bộ môn này.
Gọi ông là bậc kỳ tài, vì ông nhanh chóng tiếp thu, dung nạp cái mới vào trong cách ca diễn, sáng tác và đạt trình độ tư duy cao, đặt viên gạch đầu tiên cho nghề thầy tuồng.
Sau 1975, vợ ông - nghệ sĩ Kim Cúc - được mời dạy khóa đào tạo diễn viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Bà đã dùng giáo án của chồng để tiếp tục sự nghiệp mà ông đã dày công vun đắp.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-10
Kỳ tới: Nhớ ơn tác giả "Dạ cổ hoài lang"
"Ông tổ" của cải lương cách tân
NSND Năm Châu sinh ngày 9-1-1906 tại Mỹ Tho. Giải thưởng Tuyển chọn Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu do Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang tổ chức vẫn đang thu hút đông đảo khán giả tại quê hương ông. Điều bất ngờ là hầu hết các thí sinh tham gia đều tự hào khi nhắc đến ông Năm Châu - "ông tổ" của cải lương cách tân.
"Nói đến nghệ sĩ kiêm soạn giả Năm Châu, giới nghệ sĩ đều công nhận ông là người khai phá và tạo thành con đường để hậu bối bước tới. Vừa là diễn viên giỏi vừa soạn giả, đạo diễn áp dụng kỹ thuật tiên tiến của sân khấu phương Tây cốt làm giàu cải lương Việt Nam. Trên hết, ông làm bầu nhiều đoàn hát lớn nên ông có điều kiện thực hiện cải cách sân khấu "thật" và "đẹp". Quan trọng hơn, ông còn đào tạo nhiều nghệ sĩ kế cận tài năng" - "vua hát bội" Đinh Bằng Phi nhấn mạnh.
Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 1988. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông có hơn 50 vở tuồng nổi tiếng.
Bình luận (0)