Sách được chia làm hai phần. Phần 1 là những bài viết của học giả Nguyễn Duy Cần với bút danh Thu Giang đăng trên bán nguyệt san Nay năm 1937.
Tạp chí Nay xuất bản nửa tháng/kỳ với bốn mục chính: Triết học, Khoa học, Y học và Văn chương. Đây là tạp chí đầu tiên do học giả Nguyễn Duy Cần làm giám đốc - tổng biên tập. Từ đây, bút danh Thu Giang gắn liền với cuộc đời nghiên cứu của học giả Nguyễn Duy Cần.
Cuốc sách về học giả Nguyễn Duy Cần vừa được giới thiệu. Ảnh: NXB Trẻ
Ở mục Triết học, Thu Giang trình bày các vấn đề trong"Toàn chân triết luận" (đã được xuất bản) dưới góc độ sâu rộng hơn. Ở mục Y học, ông viết về cách ăn uống đúng quy luật âm dương, khảo cứu về các loại rau củ mang dược tính trong y học cổ truyền.
Mục Khoa học trình bày sự liên quan mật thiết giữa cơ thể con người với sự vận hành của vũ trụ. Nổi trội nhất là mục Văn chương với các bản dịch từ trang văn của Trang tử, Lão Tử sang tiếng Việt. Ngoài ra, Thu Giang còn sáng tác tiểu thuyết đăng nhiều kỳ.
Bán nguyệt san Nay ngoài cây bút chủ lực bút danh Thu Giang còn thu hút được những học giả có uy tín thời đó gửi bài cộng tác như: Sư Thiện Chiếu, họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh, Tùng Chi, Phương Thảo…
Ảnh: NXB Trẻ
Phần 2 là tiểu luận "Văn hóa và giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?", được tác giả hoàn thành năm 1960. Do bản thảo có nội dung đụng chạm đến đường lối văn hóa và giáo dục của các nha, bộ thuộc chính quyền Ngô Đình Diệm thời điểm đó nên không được xuất bản.
Mãi 10 năm sau, tập tiểu luận "Văn hóa giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?" mới được Nhà xuất bản Nam Hà - Sài Gòn in lần đầu năm 1970.
Trong bản thảo, một số từ ngữ theo lối chính tả xưa được giữ nguyên. Ngoài ra, những từ tác giả cố ý viết chệch đi cũng được giữ nguyên như di cảo.
Nguyễn Duy Cần (1907-1998) hiệu là Thu Giang, là học giả, nhà văn, nhà biên khảo kỳ cựu giữa thế kỷ XX. Ông viết sách, dạy học, làm lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh dịch.. Ngoài ra, ông còn biết đến với các biệt hiệu như: Hoàng Hạc, Linh Chi, Bảo Quang Tử...
Nguyễn Duy Cần nổi bật không chỉ về lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu của học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức thời bấy giờ.
Bình luận (0)