"Monsoon music festival 2019" (gọi tắt là "Monsoon 2019" - Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2019) vừa kết thúc hôm 3-10 với sự tán dương của khán giả và người trong giới. Bởi lẽ, sau một năm im ắng, "Monsoon 2019" trở lại với sự háo hức, mong ngóng của khán giả. Điều này dễ hiểu bởi sau 4 mùa, "Monsoon" đã trở thành thương hiệu, một sự kiện âm nhạc được mong đợi vào cuối năm. Từ "Monsoon", chúng ta nghĩ đến "Hò dô", sắp diễn ra tại TP HCM.
Lễ hội âm nhạc quốc tế đúng nghĩa
Lễ hội Âm nhạc quốc tế "Hò dô 2019" (Hozo HCMC International music festival 2019) sẽ diễn ra tại TP HCM từ ngày 13 đến 15-12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, với kỳ vọng trở thành một trong những chương trình văn hóa - nghệ thuật độc đáo mang thương hiệu riêng của TP. Trong đó, màu sắc của lễ hội âm nhạc quốc tế này sẽ là âm nhạc truyền thống hòa vào dòng chảy của âm nhạc hiện đại cùng sứ mệnh gìn giữ, lan tỏa những giá trị của âm nhạc và văn hóa dân tộc ra thế giới. Lễ hội "Hò dô" cũng sẽ góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc, đưa âm nhạc Việt đến công chúng với hình thức hiện đại hơn.
Đông nghẹt khán giả đến với Lễ hội Âm nhạc Gió mùa 2019. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)
Dự kiến, Lễ hội Âm nhạc quốc tế "Hò dô 2019" sẽ có ban nhạc đến từ các nước: Pháp, Bỉ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Hy Lạp, Tây Ban Nha (gốc Cuba), Ấn Độ, Mông Cổ tham gia biểu diễn. Các thể loại âm nhạc bao gồm pop, world music, jazz, Latin và âm nhạc truyền thống. Các ban nhạc hứa hẹn sẽ đem đến lễ hội những tiết mục đặc sắc nhất của mình.
Giám đốc âm nhạc của lễ hội, nhạc sĩ Huy Tuấn, bày tỏ Lễ hội Âm nhạc quốc tế "Hò dô 2019" cố gắng mang đến khán giả những tiết mục chất lượng, trong đó sẽ có những tiết mục mà khán giả chưa được tiếp cận, nhằm tạo điều kiện để khán giả thưởng thức, đưa thẩm mỹ âm nhạc lên tầm cao mới.
Bài học từ lễ hội trước
Tuy nhiên, để một lễ hội sống được chẳng phải việc dễ dàng. Minh chứng là những đắng cay mà nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Gió mùa, đã trải qua khi cố gắng xây dựng lễ hội âm nhạc này suốt 5 mùa qua.
Nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ: "Chúng tôi khao khát về một lễ hội âm nhạc được xây dựng chương trình theo chuẩn của thế giới mà không ngoài văn hóa đương đại tại Việt Nam. Một lễ hội âm nhạc với sự tham gia của nghệ sĩ quốc tế là cơ hội cho âm nhạc Việt Nam chạm đến văn hóa âm nhạc toàn cầu - khán giả sẽ có những chương trình chất lượng cao để xem. "Monsoon" còn được hy vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ nước nhà trong việc giao lưu bình đẳng với âm nhạc thế giới: được thưởng thức đa dạng các dòng nhạc mà thế giới đang có, được trải nghiệm mô hình lễ hội âm nhạc dài ngày tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam, có cơ hội truyền tải văn hóa âm nhạc của Việt Nam tới những nghệ sĩ nước bạn". Đến nay, "Monsoon" đã là sự kiện quen thuộc với công chúng qua các buổi diễn đa dạng về phong cách âm nhạc với những phần trình diễn độc, lạ và tạo cảm hứng.
Nhưng, để đi cùng "Monsoon" đến được mùa thứ 5, nhạc sĩ Quốc Trung đã phải "trả giá" không ít. Làm "Monsoon" năm nào là nhạc sĩ Quốc Trung phải bỏ tiền túi để bù lỗ năm đó. Anh cho biết ít là vài trăm triệu đồng, nhiều lên đến vài tỉ đồng. Nếu không có tài trợ, số tiền lỗ còn cao hơn. Nhạc sĩ Quốc Trung tâm sự: "Muốn có nhiều nhà tài trợ thì phải có sao quốc tế hạng A nhưng "Monsoon music festival" thường không có sao, thậm chí còn mời những gương mặt mà phần đông khán giả Việt chẳng ai biết. Chúng tôi sẽ không chạy theo thị hiếu của khán giả nhưng chắc chắn mang đến những gương mặt nghệ sĩ mới mẻ, tài năng, thuyết phục được tai nghe của công chúng".
Sau 5 mùa, "Monsoon" đón hàng chục ngàn khán giả nhưng tình trạng khó giải quyết vẫn là việc khán giả bỏ về khi các tiết mục biểu diễn chưa kết thúc. Điều này chắc chắn sẽ lặp lại ở "Hò dô" bởi khán giả Việt vẫn còn thói quen đến xem người "quen" diễn thay vì đến nghe nghệ sĩ hát. Đó chính là lý do vì sao nhạc sĩ Quốc Trung mong mỏi tạo nên một cộng đồng khán giả của riêng "Monsoon". Điều này khá lạ đối với một lễ hội âm nhạc nhưng là thực tế ở Việt Nam.
Để có lễ hội âm nhạc định kỳ hằng năm, đòi hỏi ở ban tổ chức sự kiên định đến cực đoan với mục tiêu của mình. Bởi dung hòa tính chất một lễ hội âm nhạc quốc tế với thị hiếu khán giả bản địa chưa bao giờ là việc dễ dàng. Vì lễ hội âm nhạc không chỉ là giới thiệu âm nhạc mà còn là hành trình xây dựng một thói quen thưởng thức và cả việc nâng cao ý thức thưởng thức của công chúng. Điều này rõ ràng cần thời gian để thực hiện.
Mục tiêu trở thành điểm đến
Lễ hội Âm nhạc quốc tế "Hò dô" 2019 là sự kiện khởi đầu cho sáng kiến tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế thường niên của Sở Văn hóa và Thể thao TP đã được UBND TP HCM cho phép tổ chức. Hoạt động này góp phần thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của TP đến năm 2020 - 2030 và mang đậm tính đặc thù của TP. Lễ hội được thiết kế theo quy mô và hình thức của một lễ hội âm nhạc quy mô quốc tế, với mục tiêu trở thành điểm đến mới của nghệ sĩ và khán giả trên bản đồ âm nhạc thế giới, "Hò dô" dự kiến sẽ được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm tại các khu vực trung tâm, nơi có lượng khách du lịch nhiều nhất của TP. Lễ hội Âm nhạc quốc tế "Hò dô" 2019 còn phát động chương trình #HozoChallenge dành cho cộng đồng nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải từ nhựa, với thông điệp: "Một cộng đồng yêu âm nhạc văn minh - Một môi trường sống trong lành hơn", "More music, Less plastic".
Bình luận (0)