Sân khấu Kịch Phú Nhuận sốt vé 2 vở kịch ra mắt vào tối 19 và 20-5, dù quy tụ toàn diễn viên trẻ. Tuấn Dũng là một trong số đó.
Thấy xấu quá, không dám tin!
Nghệ sĩ Minh Nhí nhớ mãi lần đầu tiên gặp Tuấn Dũng, khi nghệ sĩ Tuấn Tú, diễn viên Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, dẫn con trai tìm anh và gửi gắm, mong được học nghề. "Tôi buột miệng: "Trời ơi, con trai của anh sao xấu quá" và không dám tin Tuấn Dũng sẽ theo nghề được. Vì quý anh Tuấn Tú và nghĩ mình cũng đâu có đẹp đẽ gì, lại còn thiếu chiều cao nên tôi nhận đại Tuấn Dũng" - nghệ sĩ Minh Nhí kể.
Là con nhà nòi nên ngay từ nhỏ, Tuấn Dũng đã theo cha vào đoàn hát để học làm đạo cụ. Công việc đó của cha ngoài những vai diễn trên sân khấu nên không bao lâu, Tuấn Dũng quen thuộc với việc chế tác giáo, gươm, trường thương, đoạn kiếm. Tuấn Dũng chăm chỉ, vâng lời nên được cô chú, anh chị trong Đoàn cải lương Huỳnh Long thương mến. Ai cần giúp gì, Tuấn Dũng đều nhiệt tình. Anh từng bước gia nhập nghề của cha, khi làm quân hầu, khi được múa cờ. Xong việc, mỗi đêm cha chở về nhà, Tuấn Dũng đều ao ước sẽ có ngày được đứng trên sân khấu ca diễn.
Chân dung Tuấn Dũng
Nghệ sĩ Bình Tinh nhớ lại: "Một lần, tôi nghe Tuấn Dũng hát boléro quá ngọt, dù chỉ là hát karaoke. Tôi nói với cậu Tuấn Tú cho Tuấn Dũng đi học hát để có thể trở thành ca sĩ. Cậu Tuấn Tú nói "thôi". Tôi biết cậu sợ con trai khổ cực như mình, dấn thân vào nghiệp diễn trong lúc sân khấu cải lương quá hiu hắt".
Tuấn Dũng thừa nhận anh không có làn hơi cao vút để học hát cải lương, lại không đủ sức khỏe để học vũ đạo, múa võ; chỉ có thể ứng biến khi học làm kép hát của nghệ thuật tuồng cổ. Thế nên, anh chọn lối rẽ sang con đường hài kịch.
"Ở nhà Tuấn Dũng tiếu lâm lắm, thường chọc cười mọi người bằng những lời thoại duyên dáng. Vì thế, khi nghe nguyện vọng của con, tôi dẫn ngay đến gặp nghệ sĩ Minh Nhí - lúc đó đang dạy nghề diễn kịch tại sân khấu của NSND Hồng Vân. May mắn cho con tôi là được học nghề từ những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm diễn xuất như: Hữu Châu, Minh Hoàng, Đức Hải, Mai Thanh Dung, Xuân Trang và Hồng Vân" - nghệ sĩ Tuấn Tú bày tỏ.
Ý thức nối nghiệp
Con cháu của nghệ sĩ khi đến với nghề hát thì ai cũng muốn thể hiện vai chánh. Song, Tuấn Dũng chỉ thích làm dàn bao, đi lên từ những vai nhỏ.
Nghệ sĩ Tuấn Tú và con trai- diễn viên Tuấn Dũng Ảnh: Minh Hoàng
Trong vở "Xóm trọ 3D" phần 1 và 2, Tuấn Dũng thật sự tạo được ấn tượng với khán giả. Anh liên tiếp được đề cử Giải Mai Vàng trong 3 năm liền, đều từ những vai phụ. Ý thức nối nghiệp để làm rạng danh gia đình đã nung nấu trong anh hoài bão làm được điều cha mẹ mong mỏi, đó là theo nghề và sống chết với nghề.
Dù chỉ là học viên mới tốt nghiệp khóa đào tạo của một sân khấu tư nhân nhưng Tuấn Dũng đã nỗ lực học hỏi từ sáng tác kịch bản, đạo diễn đến hóa trang, múa, biên đạo, thiết kế sân khấu... Những gì liên quan đến sân khấu đều có sức hút mãnh liệt đối với anh.
"Tôi dành dụm tiền để mua vé vào các sân khấu xem kịch. Tôi xem tất cả để học hỏi, để tìm kiếm cho mình những bài học quý" - Tuấn Dũng cho biết. Anh cũng thừa nhận mình là khán giả hâm mộ của Sân khấu IDECAF, Kịch Phú Nhuận từ khi chưa học nghề diễn viên.
Hạt nhân nòng cốt
NSND Hồng Vân cảm thấy rất yên tâm khi trong số 17 diễn viên tốt nghiệp từ lò đào tạo của mình đã có một hạt nhân nòng cốt, có thể ứng biến với nhiều vai diễn, tính cách nhân vật, kỳ vọng nhất là khả năng sáng tác kịch bản, dàn dựng vở diễn.
Trong 2 vở kịch tốt nghiệp của học viên lần này, Tuấn Dũng có 2 vai diễn hay. Với vai Hải trong vở "Ngã rẽ" (tác giả: Tấn Nhật, đạo diễn: Xuân Trang), Tuấn Dũng hóa thân thành một thanh niên nghiện ngập. Cách diễn xuất thần của anh khiến khán giả lạnh người. Cảnh lên cơn nghiện, phê thuốc, hung tợn trước sự bức ép của đám giang hồ đã khiến người xem nổi gai óc. Ở vở "Xóm lũ" do chính Tuấn Dũng viết kịch bản, đạo diễn Xuân Trang dàn dựng, anh đã tạo cho mình đất diễn xuyên suốt từ vai trẻ đến già, chăm chút từng vai kịch cho bạn diễn.
Con đường trước mắt còn dài, nổi lên từ những game show (giải A quân cuộc thi "Cười xuyên Việt") đã cho Tuấn Dũng cơ hội tỏa sáng dù lúc đó anh đang còn là học viên diễn xuất. Thế nhưng, với anh, để nối nghiệp gia đình thì phải trụ vững trên sân khấu kịch chính thống. Những vai hài, những sô diễn từ các cuộc thi không phải là mục đích mà anh hướng tới.
"Tôi nhớ như in những buổi trưa nóng bức, cha tôi không kịp ăn cơm, làm từng cây giáo, cây thương để kịp giao cho khách. Nhiều đêm cha sốt cao vẫn phải đội mưa đến sân khấu. Chính điều đó thúc giục tôi vào nghề và phải lo được cho cha mẹ những bữa cơm ngon" - Tuấn Dũng xúc động bày tỏ. Anh tâm sự dẫu khó khăn đến mấy, khi đã theo nghề thì phải hết lòng để cho xứng là con nhà nòi.
Bình luận (0)