Sẽ là quá lạc quan khi tin rằng V-pop (thị trường nhạc Việt) sẽ hội nhập làng giải trí thế giới nhưng với những gì diễn ra thời gian gần đây cho thấy V-pop có những bước tiến đáng kể, tiệm cận với tốc độ phát triển của thị trường âm nhạc thế giới.
Sự biến chuyển thú vị
Hiện tượng thăng hạng của dòng nhạc underground (dòng nhạc "ngầm") đã làm nên tên tuổi nhiều gương mặt mới, đầy triển vọng cho thị trường nhạc Việt thời gian gần đây. Những bản hit (ăn khách) chiếm lĩnh hầu hết các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước, thậm chí đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc quan trọng như: "Người âm phủ" (OSAD, VTR), "Đố em biết anh đang nghĩ gì" (rapper Đen Vâu và đồng nghiệp), "Vô tình" (Xesi, HoaproX), "Thằng điên" (Justatee, Phương Ly)… Đây là những ca khúc thật sự khiến công chúng trẻ "điên đảo".
Gạt bỏ yếu tố ca từ đôi khi còn khá "trần trụi", thiếu chất thơ (thực ra điều đó cũng không cần thiết khi đặc trưng của underground là sự phóng khoáng, tự do), nhạc underground là món ăn có hương vị mới lạ cho công chúng yêu nhạc thời gian gần đây. Mỗi sản phẩm âm nhạc của giới underground đều mang nét riêng của từng nghệ sĩ, ít khi có sự trùng lặp và sao chép về giai điệu hay ý tứ, cách trình bày… Đặc biệt, mỗi tác phẩm được phủ trên đó nét nghệ thuật cá tính, rất đặc trưng kiểu "nhìn là thấy, nghe là nhận ra".
Ca sĩ Mỹ Tâm vẫn đầy sức hút của dòng mainstream Ảnh: LEON
Gần đây, công chúng nghe nhạc biết đến một Orange khá đặc biệt trong phong cách thể hiện lẫn chất giọng. Từ một cô gái vô danh, Orange nổi tiếng ở thị trường nhạc Việt qua ca khúc "Người lạ ơi". Orange còn được vinh danh tại Giải thưởng MAMA 2018 của Hàn Quốc. Hiện tượng đình đám thời gian qua là ca khúc "Hongkong1", bản ballad giản dị (cùng với phiên bản acoustic và R&B) mang phong cách vintage (cổ điển), khán giả có ngay một Nguyễn Trọng Tài "đẹp không góc chết" như lời nhận định có chút "ngoa ngôn" của cư dân mạng. Nhưng quan trọng hơn, hiện tượng "Hongkong 1" hay Nguyễn Trọng Tài đều chinh phục khán giả bằng "khí chất" mà cả ca khúc lẫn giọng hát này mang đến. Đó là sắc màu mang tính hồi tưởng ngập tràn ký ức nhưng không bi lụy. Trái lại, nó luôn chứa đựng sự lạc quan trong cách truyền tải dù đó có là câu chuyện buồn nhất.
Từ khi "Đưa nhau đi trốn" (kết hợp cùng Linh Cáo ra mắt năm 2015) đến nay, Đen Vâu có khoảng 12 năm theo đuổi âm nhạc nhưng chưa một lần nghĩ rằng có một ngày mình sẽ nổi tiếng, sẽ được gọi là ca sĩ, nghệ sĩ. Đó là một giấc mơ với chàng công nhân vệ sinh của bãi biển Hạ Long. Nhưng nay, ít ai tưởng tượng được Đen Vâu lại có lượng fan (người hâm mộ) cuồng đến phát khiếp, thậm chí không thua bất cứ ngôi sao hạng A nào thời gian gần đây. Đến mức nhiều ca sĩ dòng mainstream (nhạc quen thuộc và phù hợp với đại chúng) bắt tay hợp tác với mong muốn tạo nên những siêu phẩm ăn khách trên thị trường âm nhạc, đủ hiểu sức hút của Đen Vâu lớn đến mức nào.
Trước nay, ca sĩ dòng underground nổi tiếng thường mang tính ăn may bởi họ chưa có đủ sự chỉn chu về mặt hình ảnh, quảng bá đến chiến lược phát triển dài hơi để có thể trở thành ngôi sao ở sân khấu lớn. Đó là lý do vì sao nhiều giọng ca underground trở thành hiện tượng ồn ào nhưng lập tức như bong bóng xì hơi. Điều này đã cảnh tỉnh cho giới underground rằng khi bước chân vào con đường chuyên nghiệp, họ phải tư duy sáng tạo thật nghiêm túc, đặt mình vào cuộc đua có đích đến thực sự chứ không còn là những cú ăn may của một hiện tượng mới.
Nỗ lực vươn ra khu vực
Trong khi đó, ở dòng mainstream, những thành tích thú vị trên bảng xếp hạng âm nhạc thế giới tạo nên những hy vọng mới. Album "Tâm 9" của Mỹ Tâm đã bất ngờ lọt vào top 10 bảng xếp hạng âm nhạc Billboard ở hạng mục World Albums. Bảng xếp hạng này dựa trên mức độ lan tỏa của các album, ca khúc thể hiện qua số lượt streaming và doanh số bán được trên thế giới, không thuộc thị trường Mỹ. Việc ghi danh lên bảng xếp hạng này thường là với những nghệ sĩ được yêu mến nồng nhiệt và có lượng fan hùng hậu. Trước đó, nhiều ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng châu Á cũng từng được vinh dự này như BigBang, G-Dragon, SNSD, EXO... nhưng đây là lần đầu tiên có một ca sĩ Việt Nam lọt vào top 10.
Cuối năm 2018, ê-kíp của "nữ hoàng rap Việt" Suboi công bố ca khúc "N-Sao" lọt vào tốp 100 ca khúc hay nhất trên Apple Music năm 2018. Đặc biệt hơn, Suboi chính là nghệ sĩ V-pop duy nhất được hệ thống âm nhạc này chọn và xếp bên cạnh rất nhiều bản hit nổi tiếng quốc tế khác như: "Thank u, next", "Way back home", "Fake love"…
Bên cạnh đó là hàng loạt ca sĩ Việt ghi dấu ấn ở các thị trường biểu diễn trong khu vực. Vũ Cát Tường với những buổi diễn ở Singapore thu hút công chúng, Sơn Tùng M-TP có live show ở Thái Lan, Đông Nhi ghi dấu ấn ở "The 2nd ASEAN - Japan Music Festival 2018" (Lễ hội Âm nhạc ASEAN - Nhật Bản lần 2). Sau Đông Nhi và Noo Phước Thịnh, Vũ Cát Tường là ca sĩ của Việt Nam được mời dự sự kiện âm nhạc châu Á "Asia Song Festival 2018". Hương Tràm mang về giải thưởng "Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất tại Việt Nam" do Giải thưởng MAMA 2018 tôn vinh. Trước Hương Tràm, giải thưởng Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất dành cho Việt Nam thuộc về các ca sĩ: Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên.
Thể hiện sự tiến bộ
Nhìn âm nhạc của underground tràn lên mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2018, tưởng chừng giới ca sĩ mainstream thất thế. Thế nhưng, dòng mainstream vẫn chứng tỏ sức mạnh của mình bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của họ, rất thức thời trong việc hợp tác với các nhân tố mới trong sáng tác để tìm kiếm bản hit cho mình. Họ cũng sẵn sàng đầu tư lớn để có được những sản phẩm chất lượng từ sáng tạo của ê-kíp "ngoại binh".
Nhạc Việt đang có sự phân chia thị phần một cách hợp lý và chuyên nghiệp. Theo đó, mỗi dòng nhạc đều có thị phần riêng, tương ứng với thị hiếu thẩm mỹ của những đối tượng khán giả nhất định. Ca sĩ Hà Anh Tuấn nói: "Đây là điều mà nghệ sĩ mong mỏi từ lâu bởi phân chia đó thể hiện sự tiến bộ của một nền âm nhạc chuyên nghiệp".
Bình luận (0)