Hơn 40 năm theo nghiệp diễn, NSND Việt Anh đã sở hữu trong hành trang nghệ thuật của mình hàng trăm vai diễn, đa dạng với đủ tính cách nhưng khán giả nhớ nhất vẫn là hình ảnh của những ông già khắc khổ, cô đơn.
Vai ông Năm có một không hai
Anh thường để gương mặt mộc không son phấn, nét diễn trên cơ mặt cứ như chính nhân vật được nhào nắn dành cho anh vậy. Với phong cách diễn như không diễn trên sân khấu, anh tạc vào trí nhớ khán giả từng số phận nhân vật mà mình thể hiện. Vai ông Năm trong vở "Dạ cổ hoài lang" là vai diễn để đời của NSND Việt Anh. Câu chuyện buồn về phận người xa xứ. Ông Năm và ông Tư - vai diễn của NSƯT Thành Lộc là đại diện cho những số phận hẩm hiu trên đất khách quê người; bỏ hết cơ nghiệp xây dựng cả đời ở quê nhà, để sang Mỹ đoàn tụ cùng con cháu. Những mâu thuẫn từ sự xa lạ của thế hệ ông - cháu do xa cách nhiều năm; những khác biệt văn hóa; xung đột vì bất đồng ngôn ngữ đã đẩy 2 ông lão tới sự cô đơn, đau xót tột cùng.
NSND Việt Anh Ảnh: THANH HIỆP
"Tôi tìm được sự đồng cảm sâu sắc của khán giả cả nước qua vai diễn khi "Dạ cổ hoài lang" lưu diễn khắp nơi. Vai diễn cho tôi nhiều cảm xúc, nhất là năm đó tôi được trao Giải Mai Vàng năm 1995 cho vai diễn này. Nhớ không khí buổi lễ trao Giải Mai Vàng tại Công viên Văn hóa Đầm Sen năm đó, khán giả bao vây tôi tặng hoa chúc mừng, xin chữ ký. Có nhiều chị công nhân muốn tôi ký tên lên chiếc áo màu xanh ướt đẫm mồ hôi của họ. Xúc động lắm!" - NSND Việt Anh nhớ lại.
Nghệ sĩ Việt Anh nhận Giải Mai Vàng năm1995. (Ảnh tư liệu Báo Người Lao Động)
Đã có nhiều bản dựng "Dạ cổ hoài lang" khác nhau, nhiều ê-kíp diễn viên được thay đổi nhưng vai ông Năm vẫn do NSND Việt Anh thể hiện. Vẫn cái lối diễn khắc khổ, cô đơn và hơi tưng tửng, hài hước, nhân vật ông Năm của NSND Việt Anh đã sống hơn 2.000 suất diễn, truyền cảm hứng để các vai ông già từ sàn kịch đến phim ảnh có sức lan tỏa sâu rộng trong công chúng.
NSND Việt Anh vai ông Năm trong vở “Dạ cổ hoài lang” Ảnh: HOÀI NHƠN
Cũng với vai diễn này, NSND Việt Anh đã nhận được huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và nhận danh hiệu NSƯT năm 2001.
"Vai diễn này nhắc tôi lúc nào cũng phải đặt mình ở vị trí xuất phát từ năm 1995 để nhìn lại 25 năm qua tôi vẫn phấn đấu để luôn xứng đáng với Giải Mai Vàng mà bạn đọc Báo Người Lao Động trao tặng" - NSND Việt Anh tự hào.
"Tay ngang" nên phải nỗ lực gấp trăm lần
NSND Việt Anh kể rằng sau khi nhận Giải Mai Vàng, anh đến thăm NSND Lương Đống và NSND Huỳnh Nga, 2 người thầy đã truyền cảm hứng cho anh, giúp anh hiểu rõ hơn mục đích phấn đấu của người nghệ sĩ. "Tôi nhớ hoài lời nhắc nhở của NSND Lương Đống, bậc thầy về thiết kế mỹ thuật sân khấu, rằng đời nghệ sĩ không phải sinh ra, làm nghề để đoạt danh hiệu này nọ, cái chính là để lại được điều gì khiến công chúng luôn nhớ đến mình. Còn thầy Huỳnh Nga - cha đẻ của tuyệt phẩm "Đời cô Lựu" - nhấn mạnh: Công chúng trao giải tức là đặt lên vai con trọng trách".
"Trước khi được nhận Giải Mai Vàng, tôi đã phải nỗ lực gấp trăm lần so với những đồng nghiệp khác mới có thể khẳng định được nghề nghiệp, bởi mình bước vào con đường nghệ thuật là một diễn viên không chuyên" - NSND Việt Anh bày tỏ.
Bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp là NSND Việt Anh để lại dấu ấn ngay từ vở diễn đầu tiên trên Sân khấu Kịch thể nghiệm 5B, năm 1986, với vai Chu Phác Viên trong vở "Lôi Vũ", anh diễn quá xuất sắc khiến khán giả mê đắm cách thể hiện các vai phản diện, mang nhiều nội tâm của anh. Sau đó, đến nhân vật ông Năm trong "Dạ cổ hoài lang", anh cùng NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Quốc Thảo và nhiều nghệ sĩ "thế hệ vàng" tạo nên thương hiệu lừng lẫy cho 5B gần một thập kỷ.
Tối 22-11, trong lễ vinh danh nghệ sĩ, nghệ nhân do UBND TP HCM tổ chức, diễn ra tại Nhà hát TP, NSND Việt Anh (tên thật Nguyễn Văn Liêm) đã xúc động bày tỏ tình cảm đối với Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động: "Từ Giải Mai Vàng năm 1995, tôi đặt ra mục đích phấn đấu của bản thân là phải đạt được danh hiệu NSND và đã đạt được. Tôi cảm ơn Giải Mai Vàng đã cho tôi niềm tin".
Tâm nguyện của NSND Việt Anh là tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ những gì mình có được từ kiến thức, kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu và trên phim trường. "Hoài bão của một diễn viên từ không đến có như tôi là để lại cho đời nhiều hơn nữa những vai diễn hay" - NSND Việt Anh tâm sự.
Nhiều vai diễn đã thành khuôn mẫu
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: "Việt Anh sinh ra không chỉ dành cho những vai diễn lớn, anh ấy còn thể hiện những vai diễn nhỏ cực kỳ thú vị. Năm 2012, Việt Anh đã đOạt giải Cù nèo vàng với vai tên ăn trộm trong vở "Tốt, xấu, giả, thật" của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Một tên tuy làm nghề trộm cắp nhưng có tính khẳng khái nên khi gặp sự cố vẫn thể hiện mình còn một chút lương tri... Lối diễn mà không diễn của Việt Anh vẫn được phát huy để khiến khán giả khóc, cười với thân phận của nhân vật". Ông đánh giá cao nỗ lực của Việt Anh, sân khấu kịch miền Nam có sự đóng góp rất lớn của anh trong những tác phẩm: "Con vịt mồi", "Đêm họa mi", "41 đóa hồng" và "Dạ cổ hoài lang", "Lôi Vũ",... Vai diễn của anh đã thành khuôn mẫu chuẩn mực trong biểu hiện tính cách nhân vật cho thế hệ hậu bối.
Ngoài nghề diễn, NSND Việt Anh còn làm công tác quản lý, anh từng làm Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Hiện anh là giảng viên bộ môn kỹ thuật biểu diễn cho lớp diễn viên nâng cao Sân khấu Kịch Hồng Vân, mỗi tuần 4 ngày giảng dạy cho 57 học viên và họ đều gọi anh bằng cái tên thân thương: "Bố Liêm".
Bình luận (0)