Coi trọng chất lượng là một thứ tín ngưỡng trong văn hóa kinh doanh của người Nhật Bản. Đối với họ, cải tiến, cải tiến và cải tiến là lẽ sống, lẽ kinh doanh. Các sản phẩm và dịch vụ đã tốt đều có thể tốt hơn. Không có một sản phẩm, một dịch vụ nào mà không thể cải tiển để sản phẩm sau tốt hơn sản phẩm trước, dịch vụ sau tốt hơn dịch vụ trước. Chính nét văn hóa kinh doanh này đã làm nên thương hiệu "Made in Japan". Và đến lượt mình, thương hiệu "Made in Japan" lại giúp cho các doanh nghiệp Nhật làm ăn dễ dàng, hiệu quả không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới.
Văn hóa nào, kinh tế đó
Ví dụ nói trên cho thấy văn hóa chính là sức mạnh, là nền tảng quan trọng nhất bảo đảm thành công trong phát triển kinh tế. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Nhật Bản lại trở thành một quốc gia phát triển và hùng cường như vậy.
Văn hóa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế.
Trước hết, văn hóa là nền tảng để lựa chọn mô hình thể chế vận hành kinh tế. Văn hóa nào thì thể chế kinh tế đó.
Các nước Mỹ, Úc, Canada, New Zealand… đều đã từng là thuộc địa của nước Anh và đều đã rất thành công khi áp dụng mô hình nhà nước điều chỉnh - thể chế vận hành kinh tế của Anh cho đất nước mình. Tuy nhiên, nếu nhận xét nói trên đúng cho các nước nói trên thì có vẻ lại không hoàn toàn đúng cho Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước châu Á - Phi từng là thuộc địa của Anh.
Tại sao mô hình thể chế của nước Anh lại chỉ phát huy tác dụng ở một số nước, còn ở một số nước khác thì không? Câu trả lời là các nước Mỹ, Úc, Canada, New Zealand có nền tảng văn hóa tương đồng với nước Anh. Trong lúc đó, Ấn Độ, Pakistan và các nước cựu thuộc địa khác có một nền tảng văn hóa khác biệt. Chính vì thế, mô hình nhà nước điều chỉnh ít phát huy tác dụng ở các nước nói trên.
Tương tự cũng là điều chúng ta có thể nói về mô hình thể chế kinh tế của nhà nước phúc lợi. Các nhà nước phúc lợi Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy…) là mô hình thể chế có thể được coi là thịnh vượng và tốt đẹp nhất đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Ở các nước này, người dân sinh ra đã được nhà nước chăm lo đầy đủ về mọi mặt. Cuộc sống của họ hết sức an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Thế nhưng, tại sao một mô hình thể chế tốt đẹp lại không thể nhân rộng ra được ngoài vùng Bắc Âu? Lý do là vì thiếu nền tảng văn hóa của Bắc Âu thì không thể vận hành được một mô hình như vậy. "Biết thế nào là đủ" là một nét văn hóa rất đặc biệt của những người dân Bắc Âu. Những người dân này sẵn sàng đóng thuế cho nhà nước đến 70%-75% thu nhập của mình mà không hề tâm tư, suy bì. Bất cứ ở một nơi nào khác trên thế giới, mức thuế như trên sẽ triệt tiêu động lực làm việc, còn ở các nước Bắc Âu thì lại không. Ví dụ từ các nước Bắc Âu một lần nữa khẳng định nền tảng văn hóa là rất quan trọng để một mô hình thể chế có thể thành công.
Bia đá Vĩnh Lăng trong di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với nội dung do Nguyễn Trãi soạn, ca ngợi sự nghiệp và công đức Lê Thái Tổ cùng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn - là tấm bia quý báu còn lại tính đến nayẢnh: A.Q
Bốn mối quan hệ văn hóa - kinh tế
Vậy, nền tảng văn hóa của Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?
Một là, Việt Nam thuộc nhóm các nước Đông Nam Á, xét về mặt vị trí địa lý. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên…). Ăn cơm bằng đũa, viết chữ tượng hình (Việt Nam đã từng có chữ Nôm là chữ tượng hình) chỉ là một vài biểu hiện ra bên ngoài của văn hóa Đông Bắc Á. Cái nằm sâu bên trong ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách hành xử của cư dân ở vùng này là tinh thần và tư tưởng Nho giáo. Một số trong những đặc điểm nổi bật của các nước này là truyền thống khoa bảng và liêm sỉ của quan chức hành chính. Học hành, thi cử để làm quan là con đường phấn đấu được coi trọng nhất. Đây cũng là nền tảng văn hóa để nhà nước có thể tuyển dụng được những người thật sự tài giỏi cho nền quản trị công.
Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state). Đặc trưng hết sức cơ bản của mô hình này là nhà nước trực tiếp đề ra kế hoạch phát triển công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ về cơ chế, chính sách và nhiều khuyến khích khác để thúc đẩy công nghiệp phát triển. Có thể nói trong mô hình này, sự phát triển kinh tế do nhà nước dẫn dắt chứ không phải do thị trường. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh Anh - Mỹ (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường nhưng cũng không làm thay thị trường. Mà nhà nước chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu công nghiệp hóa đã được đề ra.
Mô hình thể chế này đã đưa lại sự phát triển kỳ diệu cho cả Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là cả Trung Quốc. Phải chăng nền tảng văn hóa của Việt Nam cũng bắt buộc chúng ta phải lựa cho mô hình nhà nước kiến tạo phát triển?
Hai là, văn hóa chính là nguồn tài nguyên vô tận. Văn hóa không chỉ tác động lên cách thức vận hành nền kinh tế mà còn là nguồn tài nguyên vô tận cho các hoạt động kinh tế. Du lịch văn hóa là ví dụ dễ cảm nhận nhất ở đây. Du khách nước ngoài đang đến nước ta ngày càng nhiều hơn vì những trải nghiệm văn hóa. Họ thích Hội An vì sự trầm mặc của phố cổ, thích các tỉnh miền núi phía Bắc vì các phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào dân tộc. Thu hút khách là những mặt hàng thổ cẩm, những bài ca, điệu múa thấm đẫm văn hóa bản xứ. Thu hút khách là chiếc áo dài duyên dáng, là đường cong huyền bí của những mái chùa…
Ba là, văn hóa bổ sung giá trị cho các hàng hóa và dịch vụ của chúng ta. Uống trà sẽ hấp dẫn hơn nhiều với phong cách thưởng trà của người Việt. Các quán ăn sẽ hấp dẫn hơn nếu ở đó khách hàng không chỉ được ăn các món ngon mà còn được nghe những bản nhạc hay. Biết bổ sung giá trị văn hóa cho các hàng hóa, dịch vụ sẽ làm cho chúng vừa hấp dẫn hơn vừa có tính cạnh tranh cao hơn. Đơn giản là vì người nước khác khó có thể làm được điều này.
Cuối cùng, văn hóa là một thị trường, càng phát triển thì càng trở nên to lớn. Khác với những nhu cầu về vật chất, các nhu cầu về văn hóa là vô tận. Người ta khó có thể ăn một lúc 2 ổ bánh mì nhưng luôn có thể thưởng thức một lúc hàng chục bài hát. Chính điều này làm cho kinh doanh văn hóa trở thành hoạt động kinh tế vô cùng hiệu quả. Điểm đáng lưu ý nhất ở đây là chúng ta càng có văn hóa thì nhu cầu văn hóa càng cao. Chúng ta càng ít có văn hóa thì nhu cầu văn hóa càng thấp. Coi trọng văn hóa, thúc đẩy văn hóa phát triển cũng chính là để phát triển một nền kinh tế hùng mạnh.
Bình luận (0)