Cũng không phải đợi đến ngày hội sách châu Âu, mà độc giả Việt Nam chỉ cần bước vào một nhà sách bất kỳ cũng có thể tìm được sách của vài tác giả đến từ một nước thuộc châu Âu. Vì vậy, Ngày hội sách châu Âu là dịp để tái khẳng định sức lan tỏa của văn chương châu Âu đến Việt Nam.
Tầm ảnh hưởng của văn chương châu Âu là không thể phủ nhận, khi ngày nay ở Việt Nam, độc giả quốc nội vẫn còn khá xa lạ với nền văn chương của các nước láng giềng ASEAN... thì từ lâu, ngõ ngách của những con phố Paris, sương mù nước Anh cho đến những bờ biển nắng ấm miền Địa Trung Hải... đều đã trở thành thân quen với độc giả Việt qua những trang sách của tác giả châu Âu.
Trong suốt 20 mùa giải Nobel của thế kỷ XXI, đã có 4 nhà văn mang quốc tịch Anh, 3 nhà văn mang quốc tịch Pháp, còn Đức, Áo, Thụy Điển, Hungary mỗi nước ẵm 1 giải văn chương. Khi người Mỹ thắc mắc vì chờ đợi hơn 20 năm mà không thấy đồng hương nào đoạt giải Nobel Văn chương kể từ Toni Morrison năm 1993, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải thưởng thường niên này cho một... nhạc sĩ. Rõ ràng, không phải người Mỹ nào cũng đồng tình khi Bob Dylan nhận giải thưởng danh giá này, cứ như thể viện này muốn nói rằng ở quốc gia cờ hoa không nhà văn nào xứng đáng hơn để trao giải Nobel Văn chương vậy.
“Ngày hội sách Châu Âu 2019” khai mạc tại Đường sách TP HCM (ảnh lấy từ facebook Đường sách TP HCM)
Dĩ nhiên, châu Âu có quyền kiêu hãnh về những thành tựu văn học vượt trội của mình, khi châu lục này đã khai sinh Cervantes, làm nên Goethe, nuôi dưỡng Proust và cả đến một nước nhỏ ở Trung Âu như Czech cũng có hẳn một Kafka. Chỉ riêng từng người trong số họ, cũng đã đủ dựng lên một nền văn học mà tầm ảnh hưởng đã vươn ra toàn thế giới.
Nhưng có thiên vị quá không, khi trong các tiểu luận của mình, Milan Kundera thường tự hào khẳng định ông tổ của tiểu thuyết hiện đại là Cervantes mà quên rằng chàng Genji trong bộ tiểu thuyết "Truyện kể Genji" của Murasaki Shikibu đã xuất hiện trước chàng "hiệp sĩ mặt buồn" Don Quixote những vài... thế kỷ.
Dẫu có tập trung bao nhiêu tinh hoa ưu việt thì không phải lúc nào văn chương châu Âu vào Việt Nam cũng đều là tinh hoa. Không thiếu những tác phẩm xoàng xĩnh được bọc trong những mỹ từ khen tặng xuất hiện rầm rộ để rồi khiến người làm văn chương Việt Nam có chút ngậm ngùi, bởi một nhà văn châu Âu trung bình thì tiếng vang vẫn vượt trội hơn một nhà văn xuất sắc đến từ vùng khác, rằng nhiều tác phẩm của ta còn hay hơn thế.
Cho nên, khi nhìn Ngày hội sách châu Âu diễn ra sôi động, những buổi giới thiệu tác giả mà lần đầu tiên họ được nghe đến ở Việt Nam, người viết lại tự hỏi đến bao giờ mới có "ngày sách Việt Nam" hay "ngày sách Đông Nam Á" ở châu Âu? Phải chăng trong quá trình giao lưu văn chương với thế giới, chúng ta vẫn chỉ trong tâm thế của người tiếp nhận, vẫn chỉ là con đường một chiều mà không có sự trao đổi nên văn chương Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung chỉ là nền văn học thiểu số?
Bình luận (0)