"Inside of me" là chủ đề buổi triển lãm cá nhân của nhà văn - họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, diễn ra từ ngày 7-9 đến 20-10, với 14 bức tranh lụa vẽ 2 mặt, lấy phụ nữ làm nhân vật chủ đạo, đặc biệt là khai thác chân dung nội tâm của họ.
Gương mặt thời hội nhập
Qua nét vẽ sắc sảo và màu sắc sinh động, chân dung những cô gái trong bộ sưu tập "Inside of me" của Nguyễn Thị Châu Giang hiện ra phóng khoáng. Các kiểu tạo dáng vẫn rất quen thuộc và phổ biến, tạo cho người xem cảm giác trong mỗi phụ nữ, việc tự ý thức về cái đẹp tiềm ẩn luôn rất cao.
Hình ảnh phụ nữ ẩn chứa sức mạnh trong tranh Nguyễn Thị Châu Giang
"Đó là sự tự ý thức của phụ nữ Việt Nam, mà tôi là một trong số họ. Vẻ đẹp của sự nhẫn nại, chịu đựng, của những giọt nước mắt đau đớn nuốt vào trong. Chính vẻ đẹp đó làm nên sự mạnh mẽ gấp vạn lần ở họ" - họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang bộc bạch.
Hình ảnh phụ nữ hiện đại trong tranh Bùi Tiến Tuấn
Trước đó, triển lãm cá nhân của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn với chủ đề "Hơi thở nhẹ" cũng để lại nhiều ấn tượng và cả bất ngờ với công chúng thưởng lãm. Hình ảnh những cô gái thành thị với lối tạo hình cách điệu táo bạo, có phần gây sốc, trong những bố cục bất ngờ trở nên sống động và đầy khác biệt so với những gì đã có trước đây. Người trong giới gọi những phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là sự "đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ truyền thống".
Tác phẩm “Đâu rồi thời son phấn” của Phạm Tuấn Tú
Hình ảnh phụ nữ trong tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn không nền nã, không mực thước hay e ấp như dòng tranh lụa vốn có. Các cô gái trở nên hiện đại, cá tính, gai góc, phóng khoáng, phô diễn một cách tự hào những đường nét gợi cảm trên cơ thể mình. Giới chuyên môn cho rằng chọn góc nhìn khác về phụ nữ như cách Bùi Tiến Tuấn phản ánh chính là cách miêu tả nhịp sống thị thành, tương quan xã hội bằng con mắt và cảm quan hội họa của thế hệ họa sĩ ngày nay.
Tác phẩm “Mua sắm” của Lương Đức Hùng
Triển lãm "Mascara - Chuốt mi" diễn ra gần đây cho thấy chân dung phụ nữ đương đại không chỉ được khắc họa một cách rõ nét mà còn biểu hiện cảm quan khác biệt của thế hệ họa sĩ ngày nay về hình ảnh phụ nữ. Điều đó được thể hiện rõ nét qua 26 tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Nghĩa Cương, Nguyễn Văn Cường, Vũ Đình Tuấn, Bùi Thanh Tâm, Ngô Văn Sắc, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Tuấn Tú…
Hình ảnh phụ nữ trong các tác phẩm được trưng bày mang khuôn mặt của thời đại, đại diện cho những giai tầng văn hóa mới với các đường nét vô cùng táo bạo. Đề tài về người chuyển giới hay những nhân vật lưỡng tính đầy nghi hoặc, mâu thuẫn cũng được khai thác qua nét vẽ sống động của các họa sĩ. Nổi bật trong đó là tác phẩm "Cô gái Việt Nam 17" của Bùi Thanh Tâm, thu hút bởi đôi mắt nhìn trực diện người xem. Tác phẩm "Chuyển giới 3" của Nguyễn Văn Cường lại cho thấy sự táo bạo từ đề tài đến phong cách, tạo hình và màu sắc. Tác phẩm "Đi qua dòng sông" của Vũ Đình Tuấn lại như những lát cắt thời gian mang hình khuôn mặt, cho vẻ phù phiếm đi qua, niềm sắt son ở lại.
Hơi thở đương đại
Trước đây, chân dung phụ nữ trong tranh dân gian Đông Hồ hay ở những họa phẩm đầu thế kỷ XIX của các bậc thầy hội họa Việt Nam (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ…) đều thể hiện vẻ đẹp đậm chất Á Đông: mềm mại, uyển chuyển, bao dung, e ấp... Đến nửa sau thế kỷ XIX, việc thể hiện chân dung phụ nữ thời kỳ kháng chiến đã có sự biến đổi đáng kể.
Ở thời điểm hiện tại, với tinh thần không ngừng sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ, chân dung phụ nữ trong tranh Việt gần như thoát khỏi những mô-típ, tạo hình cũ. "Thời kỳ này, trong phần lớn các tác phẩm hội họa, điêu khắc Việt, người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp khỏe khoắn, thể hiện sự đảm đang, đức hy sinh và gánh trên vai trách nhiệm thời đại" - người trong giới nhận định.
Với những tác phẩm đã và đang ra mắt công chúng thời gian gần đây, không khó để nhận ra chân dung phụ nữ đa sắc, đa màu, đa hình và đa ý niệm hơn. Trong đó, tranh của Bùi Tiến Tuấn khai thác đề tài phụ nữ thị thành - thời trang; tranh Vũ Đình Tuấn khai thác về bản thể nữ, tâm linh, thẩm mỹ; tranh Nguyễn Thị Châu Giang phản ảnh cái tôi phụ nữ, về nữ quyền; tranh Lê Thúy là sự giễu nhại truyền thống, sự thanh lịch; tranh Lê Hoàng Bích Phượng nói về sự hóa thân, thay hình đổi dạng...
Lột tả hình ảnh phụ nữ khác trước, tranh Việt hiện nay không chỉ cho thấy cái nhìn khác về phụ nữ mà còn khẳng định thế hệ họa sĩ mới không ngại bộc lộ bản thân, thể hiện nhiều góc cạnh tâm hồn và tính cách đa chiều hơn. Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang nhận định: "Phụ nữ trong tranh hiện nay vẫn đẹp như trong tranh xưa, chỉ khác là họ mang theo hơi thở của một xã hội đương đại, một đời sống tâm lý nhiều biến động hơn. Điều đó đương nhiên là do phụ thuộc khá nhiều vào nhân sinh quan, sự cảm nhận, thấu hiểu và cả tài năng của nghệ sĩ ở mỗi thời kỳ".
Bình luận (0)