Chỉ có bốn năm (1999-2003) sinh sống, học tập, trải nghiệm và cảm nhận TP HCM nhưng mỗi khi nhớ lại thời tuổi trẻ tươi đẹp ấy thì những cảm xúc trìu mến, thân thương luôn ngập tràn trong tâm thức của tôi. Đã là thời gian dài rời xa TP HCM về quê sinh sống nhưng lúc nào tình cảm dành cho TP HCM trong tôi cũng tròn đầy, qua từng dấu thả tim, nút like các hình ảnh đẹp, các bài viết về TP HCM trên báo, facebook, qua cảm xúc rưng rưng dâng trào khi đọc từng trang sách viết về thành phố này. Bởi tôi thấy hình ảnh của chính mình trong các câu chuyện đó.
Tôi không quên những con đường, góc phố đã đi qua, là các hàng quán, chỗ ngồi in dấu kỷ niệm thanh xuân, là nụ cười, ánh mắt của những người ở đây để bây giờ có người đã trở thành thân tình, tri kỷ, là hương vị ẩm thực đa dạng của mọi miền đất nước được hội tụ tại nơi này. Tôi nhớ một sáng cùng các bạn rủ nhau ra Diamond Plaza dạo chơi trốn nóng, cả đám sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi được một phen vừa vinh dự xen lẫn ngượng ngùng khi được toàn thể quản lý và nhân viên đứng đều tăm tắp hai bên lối vào cúi rạp người đón chào. Sinh viên tỉnh lẻ thì làm gì có tiền mà mua sắm ở nơi sang trọng ấy, nhưng chúng tôi vẫn được đối xử như những khách hàng thực thụ.
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, nơi tác giả theo học thời sinh viên
Đọc các bài viết giới thiệu món ngon ở TP HCM kèm theo hình ảnh người bán sẵn lòng cho thêm tí này, tí kia đồ ăn cho hợp khẩu vị của khách hàng, tôi nhớ lần ăn sáng cháo lòng ở chung cư Lý Thường Kiệt, quận 10, đối diện là Ký túc xá Bách Khoa. Sau khi thưởng thức xong hương vị tuyệt vời của tô cháo có giá 3.000 đồng thì tôi mới hết hồn vì quên mang ví tiền. Không để tôi lúng túng, ngại ngùng giải thích, bác chủ quán liền khua tay cười xởi lởi "Cho nợ, mai ghé trả".
Đó là nỗi nhớ nụ cười trìu mến, cử chỉ ân cần của anh giữ xe ở những hàng quán tại thành phố này. Nhớ hoài hương vị đậm đà của các món ăn tôi đã được thưởng thức, như chè đậu đen trước cổng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bún ốc ở đường Đinh Tiên Hoàng, xôi gà đường Bùi Thị Xuân, cơm tấm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nước sâm đường Nguyễn Trãi, bánh mì đường Lý Thường Kiệt, bún bò đường Nguyễn Thị Minh Khai, chè Thái đường Nguyễn Tri Phương và vô vàn các món khác mua ở lề đường, trong hẻm nhỏ, trên xe đẩy… Sau này, đi nhiều nơi, được ăn nhiều món tương tự nhưng chưa ở bất cứ nơi nào cho tôi cảm nhận lại được sự ngon miệng như các món ăn của ngày xưa đó. Có phải tinh hoa ẩm thực của cả nước hội tụ vào món ăn hay TP HCM trìu mến trao gửi cho những sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi những ân tình khiến cho ăn món nào cũng thấy ngon quên đất trời? Chính sự chu đáo của người bán hàng khi làm các món ăn, cử chỉ ân cần, xởi lởi trong giao tiếp với người mua và nỗi tiếc nuối ký ức thanh xuân tươi đẹp đã khiến tôi ăn các món gì tự nhiên nỗi nhớ về TP HCM lại len lỏi trỗi dậy, nhắc nhớ tôi về ngày xa xưa đó.
Hai ngày trở lại TP HCM vào giữa tháng 8 - 2019 trong buổi gặp mặt "Hẹn hò 20 năm" với các bạn sinh viên khóa 99 ngữ văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trào dâng trong tôi bao cảm xúc ngọt ngào. Ngồi bên nhau, chúng tôi kể cho nhau nghe về những ân tình thành phố này đã dành tặng cho chúng tôi từ thuở sinh viên, lúc mới ra trường hay đang sinh sống, lập nghiệp ở đây. Tôi kể cho các bạn nghe về nỗi nhớ và tình cảm dành cho nơi này như một cách gửi gắm lại những ân tình đã được trao gửi khi xưa.
Lắng đọng trong tôi là sự cảm nhận được hương vị nồng ấm của tình người nơi đây. TP HCM đã giữ gìn nguyên vẹn điều này để bất cứ ai đến đây đều có thể được tận hưởng, cảm nhận và tìm lại. Tôi bổ sung vào nỗi nhớ TP HCM của mình nụ cười nồng ấm cùng lời dặn dò nho nhỏ của anh lái taxi hôm chở tôi đi qua trường, nụ cười nhã nhặn kèm theo cái nghiêng đầu chào của anh bảo vệ ở khu trung tâm thương mại…
Tôi sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hậu của cô bạn thân khi hai đứa ngồi với nhau ở đường sách Nguyễn Văn Bình trước khi tôi tạm biệt nơi này. Chúng tôi nói với nhau rằng, TP HCM tuy rộng lớn, xô bồ nhưng không khiến bất cứ ai cảm thấy cô đơn, lạc lõng vì bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp của tình thân ở bất cứ chỗ nào bạn đến, toát lên qua bất cứ ai bạn gặp. Hôm đó, cũng giống như 17 năm trước, tôi lên xe về quê và mang theo nguyên vẹn trong tim tình cảm của một TP HCM trìu mến, thân thương.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)