Ngay sau khi vụ bê bối tình dục của Harvey Weinstein lan tỏa, chiến dịch "#MeToo" cũng theo đó phát triển mạnh, vạch trần góc khuất kinh đô điện ảnh thế giới. Nhiều "yêu râu xanh" danh tiếng lẫy lừng trước đó đã phải từ chức, tạm dừng mọi hoạt động nghệ thuật, công khai xin lỗi nạn nhân.
Không chỉ ở Hollywood, "#MeToo" đến châu Âu rồi châu Á và mỗi nơi đều tạo nên trào lưu tố cáo. Những nữ diễn viên, nam diễn viên lần lượt lên tiếng, kể lại câu chuyện đã rất lâu của mình trước đó. Một số gửi đơn kiện và dũng cảm theo đuổi các vụ kiện đến tận hôm nay.
Chiến dịch "#MeToo" mạnh mẽ ở nước ngoài
Khi đến Hàn Quốc, "#MeToo" cũng tạo dấu ấn dữ dội đến mức người bị tố cáo từng là phó giáo sư, diễn viên gạo cội Jo Min Ki phải tự tử. Kể từ sau vụ việc, "#MeToo" giảm nhiệt nhưng vẫn âm ỉ trong showbiz Hàn, buộc người trong giới hành xử cẩn trọng, tự răn đe bản thân. Chưa bao giờ, những lời kêu gọi, những tiếng nói mạnh mẽ chống lại vấn nạn quấy rối tình dục tồn tại từ lâu trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề được phơi bày trước ánh sáng công luận như lúc này.
Sôi động là thế, hiệu quả là thế nhưng "#MeToo" lại lặng lẽ ở showbiz Việt vốn thường không ít những thị phi. Chẳng lẽ, showbiz Việt hiếm có nạn gạ gẫm, quấy rối so với các làng giải trí khác hay vì "#MeToo" chẳng có quyền lực gì ở đây?
Nhiều người trong giới cho biết nguyên nhân lớn nhất là vì công luận Việt chưa đủ khắc nghiệt, thiếu răn đe với những người gây bê bối. Không ít người sau mỗi vụ bê bối, họ lại càng được nổi tiếng, chẳng chịu sự tẩy chay hoặc gánh chịu hình phạt khiến sự nghiệp đổ vỡ.
Nhưng lại hiếm hoi ở Việt Nam
Ngoài thiếu sự nghiêm khắc, công luận cũng hay nghi ngờ những lời tố cáo theo định kiến nhìn đâu cũng thấy sai. Mới đây, biên đạo múa Phạm Lịch tố Phạm Anh Khoa gạ tình, quấy rối. Cô là người dũng cảm ít ỏi hưởng ứng phong trào "#MeToo" trong showbiz Việt, đứng lên tố cáo hành vi không đúng mực.
Tuy nhiên, thay vì nhận được sự ủng hộ hành động dũng cảm này của cô, không ít người ngờ vực đây là chiêu trò để quảng bá hình ảnh. Một số khác cho rằng nữ biên đạo này cố tình hạ bệ danh dự người khác... với đủ bình luận gây thương tổn dù chưa biết thực, hư thế nào.
Phạm Lịch khẳng định những gì cô nói là sự thật và nói ra để "đòi lại cho showbiz môi trường trong sạch hơn, đặc biệt là nghệ sĩ nữ cần được bảo vệ". Một vài nghệ sĩ lên tiếng ủng hộ Phạm Lịch như ca sĩ Thái Trinh nhưng vụ việc chẳng tạo được sức ảnh hưởng trong dư luận, thu hút quan tâm bằng chuyện tình lăng nhăng Nam Em - Trường Giang - Nhã Phương. Những người khác cũng không hưởng ứng lời kêu gọi, dũng cảm đứng lên kể câu chuyện của mình mà chỉ bàn luận chung chung, cáo buộc ẩn danh thì đó không phải "#MeToo".
Kể lại câu chuyện của mình để vạch trần hành vi tình dục sai trái của người khác mà không có bằng chứng sẽ phải gánh chịu nhiều áp lực, chỉ trích ngược lại. Chưa kể người bị tố cáo có thể kiện ra tòa tội vu khống. Ngay báo chí cũng không thể vào cuộc khi chỉ nghe lời tố cáo thiếu cơ sở của một phía. Chính những điều này khiến "#MeToo" khó bùng nổ ở showbiz Việt.
Bình luận (0)