Những lời gợi chuyện sâu sắc của ba
Thiệp hình chữ nhật, gấp lại thành bốn mặt. Mặt ngoài thường in chữ "Cung chúc tân xuân" và hình phong cảnh thi vị Tết, điểm xuyết vài cánh én, vài cành mai. Màu sắc tươi vui, thêm lớp kim tuyến lấp lánh trông lạ mắt.
Sau bữa cơm chiều, ba gọi bốn anh em tôi lại ngồi quanh bàn. Trên bàn ngoài xấp thiệp Tết, ba còn sắm bốn cây viết mực với bình mực đen hiệu Parker. Ba yêu cầu chúng tôi viết bằng ngòi viết mực vì khi viết có thể đưa nét mạnh hoặc yếu, nhanh hoặc chậm, đậm hoặc nhạt khác nhau làm con chữ sinh động, thanh thoát. Ba cấm dùng viết nguyên tử (tức viết bi bây giờ) vì chỉ có một nét đều đều chán ngắt.
Trước khi viết, ba hỏi anh em tôi về thầy cô và nội dung sẽ viết. Nói chung ba tôn trọng ý kiến từng "chàng". Việc ba hỏi thêm chỉ để nhằm tránh sai sót đáng tiếc có thể xảy ra và làm cho nội dung lời chúc thêm ý nhị. Đó là thời khắc anh em tôi háo hức nhất. Tấm thiệp Tết càng thêm ý nghĩa nếu lời chúc càng gần gũi, chân tình. Tất nhiên nó phụ thuộc vào câu chuyện chúng tôi sắp kể. Ba là người khá tâm lý. Ông nhẹ nhàng đưa ra các câu hỏi như để khơi mạch câu chuyện. Có khi hứng chí, chúng tôi tuôn ra hết những "bí mật" ở lớp. Mà những "bí mật" ấy chao ôi phần lớn là đáng xấu hổ, trước đó không đời nào chúng tôi dám hé ra!
Bắt đầu là anh Hai tôi, học lớp bảy. Anh đọc tên giáo sư chính (giáo viên chủ nhiệm bây giờ), tên các thầy cô bộ môn. Ba ghi ra giấy cẩn thận để tránh nhầm lẫn. Ba hỏi: "Con thấy cô giáo sư chính thế nào?". Anh Hai kể bữa đó cô bệnh không lên lớp được. Sau buổi học cả lớp kéo nhau đi thăm cô. Nhà cô khóa cổng, phía trước có một khoảng sân. Anh lớp trưởng gọi nhưng không có ai ra mở cửa nên quyết định leo rào vào. Bất ngờ có con chó xông ra vừa sủa vừa phóng tới. Các bạn bỏ chạy, anh lớp trưởng may quá cũng kịp nhảy xuống chạy theo. Sau đó cũng không có ai ra. Chắc nhà đi vắng. Anh lớp trưởng quyết định viết lá thư như sau: "Nghe tin cô bệnh chúng em có ghé thăm nhưng không gặp. Chúng em viết thư này cầu mong cô mau hết bệnh, sớm trở lại với chúng em. Kính thư. Phía dưới lớp trưởng thay mặt cả lớp ký tên". Lá thư được gấp tư bỏ bên trong cổng. "Rồi sao nữa, anh Hai?", chúng tôi háo hức hỏi. Anh Hai nói khoảng ba ngày sau cô mới trở lại lớp. Cả lớp đứng lên chào cô. Cô ra dấu ngồi xuống rồi nói: "Cô rất cảm động khi biết các em đến thăm cô. Hôm đó cô đang ở bệnh viện. Nhưng dù sao nhờ đó mà cô mau lành bệnh". Giọng cô nghe còn yếu lắm. Kể tới đây mắt anh Hai chớp chớp ra vẻ cũng xúc động. "Con thấy cô rất hiền ba à", anh Hai nói. "Con định viết lời chúc thế nào?", ba lên tiếng. Anh Hai ngập ngừng: "Dạ, con định viết vầy... Qua gần một năm dạy học cô đã hết lòng dạy dỗ em nên người. Em mãi mãi ghi nhớ công ơn của cô và hứa sẽ chăm ngoan hơn nữa để không phụ lòng cô. Nhân dịp xuân về, em xin chúc cô năm mới dồi dào sức khỏe, gia đình an khang, hạnh phúc". Chúng tôi vỗ tay khen anh Hai nói hay quá. Ba cũng gật đầu tỏ ý hài lòng. "Được đó, con ghi vào thiệp đi" - ba nói. Tôi thấy gương mặt ba lúc ấy rất vui.
Biết ơn thầy cô
Đến lượt anh Ba tôi, học lớp sáu. Anh Ba tính vui nhộn, miệng lúc nào cũng liến thoắng. Anh Ba kể hôm đó giờ ra chơi, thấy trên cành cây phượng sau lớp có một con chim non đang kêu chiếp chiếp nên leo lên bắt. Cành phượng cao quá đầu người một chút. Anh leo lên cây trong tiếng cổ vũ của đám bạn bên dưới. Khi nhoài người ra để bắt chim thì bất ngờ cành phượng gãy, anh Ba té nhào. May mặt đất nhiều cỏ nên anh Ba không sao, tuy vậy cổ chân trái bị bong gân, sưng tấy. Anh được các bạn đưa đến phòng y tế trường. Vừa lúc thầy dạy môn thể dục của anh đi ngang, thấy một học sinh bị nạn nên ghé vào. Thầy nắn lại chỗ bong gân rồi xoa dầu nóng. Một lát chân anh Ba bớt sưng, đi lại được nhưng hơi cà nhắc.
Sau câu chuyện, ba hỏi: "Con thấy thầy thể dục thế nào?". Anh Ba nói ngay: "Con thích thầy nhất vì thầy miễn cho con môn nhảy cao do chân con đau". Anh em chúng tôi cười òa. Ba cũng không nhịn được cười. Thế là sau đó thiệp chúc Tết của anh Ba có dòng ghi thế này: "Cũng nhờ sự chăm sóc và yêu thương của thầy mà em luôn được khỏe mạnh. Nhân dịp xuân về, em kính chúc thầy và gia đình vạn sự như ý."
Đến phiên tôi. Năm đó tôi học lớp bốn. Tôi kể hôm cắm trại mùa xuân toàn trường, tối đó tôi ở lại ngủ trong trại của lớp. Nửa đêm thì bị đau bụng. Hồi chiều tôi tộng đủ thứ chè xôi, bánh trái nên giờ... bụng nó sinh sự. Bên ngoài trại, lối dẫn tới khu nhà vệ sinh tối đen như mực. Có cho tiền tôi cũng không dám đi vì sợ ma. Tôi cố nín. Bụng càng lúc càng đau. Mấy thằng bạn quanh tôi thì ngủ như chết. Tôi lăn qua lăn lại vì như thế sẽ bớt đau. Chợt thầy tôi đi ngang qua trại. Giờ này thầy đi rảo một vòng kiểm tra học sinh ngủ chưa hoặc có sự cố gì bất trắc. Thầy nhìn vào trại, thấy tôi còn thức, cứ lăn qua lăn lại nên ngạc nhiên lại gần. Thầy cúi hỏi: "Em có sao không?". Tôi thú thật. Thầy vội lấy đèn pin dắt tôi đến nhà vệ sinh. Thầy vẫn đứng chờ làm tôi yên tâm. Sau đó thầy đưa tôi về phòng của thầy, lấy chai dầu nóng bảo tôi xoa bụng. Thầy còn cho tôi uống một viên thuốc trước khi đưa về trại. Về chỗ nằm, bụng êm, tôi ngủ một giấc tới sáng. Chuyện vừa kể xong, ai cũng cười. Sau khi lãnh hội ý của ba, tôi bặm môi ghi vào thiệp: "Thầy như người cha vô cùng thương yêu em. Em rất biết ơn thầy. Nhân dịp năm mới, em kính chúc thầy dồi dào sức khỏe, hạnh phúc bên gia đình và người thân".
Sau ngày đưa ông Táo, ba mang về một cành mai đặt giữa phòng khách. Bốn anh em tôi trang hoàng bằng cách treo lên những dây màu phủ kim tuyến, những bóng đèn màu. Chúng tôi cũng không quên treo những tấm thiệp Tết. Ba tôi nói mỗi tấm thiệp không chỉ lưu giữ tình cảm của người thân mà còn là một câu chuyện về cuộc đời. Trong những ngày Tết, có nhiều người thân quây quần bên nhau còn gì hạnh phúc bằng. Trong gió xuân, những cánh thiệp quay đều như múa, mang đến bao niềm vui cho mọi người.
Bình luận (0)