.Phóng viên: Khi đặt bút sáng tác những bài ca cổ và trích đoạn cải lương về đề tài phòng chống dịch Covid-19, ông có suy nghĩ gì?
- Soạn giả HOÀNG SONG VIỆT: Tôi mang cảm xúc chia sẻ với những người ở tuyến đầu. Họ cũng có gia đình, người thân nhưng ngày giỗ cha, ngày mẹ qua đời cũng không về được vì công việc phòng chống dịch Covid-19 đợt nào cũng cam go, thử thách. Trái tim tôi như thắt lại khi nhìn bức ảnh một chiến sĩ thọ tang cha trong khu cách ly, vỏn vẹn di ảnh và mâm cơm đạm bạc, một vành khăn tang quấn vội. Tôi lại nghĩ bằng khả năng của mình, hãy viết, hãy lan tỏa đến cộng đồng những lời tri ân sâu sắc, biến những lời cảm ơn chân thật nhất bằng hành động kêu gọi người dân đoàn kết, cùng nhau chiến thắng đại dịch. Và hơn thế nữa là tạo nhịp cầu nối thân thương để khán giả và nghệ sĩ, thông qua những tiết mục tri ân lực lượng tuyến đầu sẽ cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Sau 2 MV "Niềm tin" và "Chúng con là chiến sĩ", tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả, cảm thấy hạnh phúc vì việc làm nhỏ của mình đã tìm được sự đồng cảm của công chúng.
.Những ngày qua, lan truyền trên cộng đồng mạng rất nhiều hình ảnh đẹp của lực lượng tuyến đầu, ông có nghĩ đó sẽ là chất liệu để tiếp tục đưa vào sáng tác của mình?
- Hơn lúc nào hết, đội ngũ y - bác sĩ trên cả nước đã vào cuộc như những chiến binh hiên ngang "ra trận". Đã có những chàng trai, cô gái khoác lên mình màu xanh tuổi trẻ để vào vùng dịch, những vị bác sĩ đã nghỉ hưu viết đơn xin xung phong tham gia chống dịch và nhiều người chị, người mẹ trong ngành y chưa kịp "dứt sữa" cho con đã đi vào điểm chống dịch. Tôi xúc động khi đọc lá thư của người mẹ viết cho con trai trước ngày "ra trận". Bà mẹ đó tên Biên Linh (Bình Phước) đã viết: "Đã hơn tháng nay, theo dõi thông tin về dịch bệnh phức tạp ở Bắc Giang, Bắc Ninh... và bây giờ lại tới TP HCM, Bình Dương, cận kề cửa ngõ, mẹ đã mơ hồ nghĩ tới lúc con cũng như các đồng nghiệp khác sẽ lên đường. Dẫu biết thế nhưng khi nghe con nói: "Chúng con đã sẵn sàng", mẹ vẫn không sao giấu được nỗi rưng rưng!...". Tôi đã khóc, vì chính đây là những chất liệu sống để đưa lên sân khấu, nhắc nhở mỗi chúng ta đang được sống yên bình trong ngôi nhà của mình, đừng quên có rất nhiều chiến binh đã thức trắng đêm canh giữ cho sự bình yên của cộng đồng.
.Ngoài những sáng tác, ông còn thực hiện dự án nào khác để góp phần vào công việc chung của toàn xã hội?
- Bên cạnh những sáng tác, món quà về vật chất là nguồn động viên cần thiết đối với các y - bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay. Từ giữa tháng 5, tôi đại diện Công ty TNHH Tổ chức Biểu diễn Song Việt và Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đã thực hiện cuộc vận động mang tên "Vì các chiến sĩ nơi tuyến đầu" từ văn nghệ sĩ, nhà hảo tâm và khán giả để ủng hộ lực lượng bộ đội biên phòng tại 2 tỉnh Long An và Bình Phước. Tính đến nay, tổng số tiền vận động đã được 172,7 triệu đồng và 100 USD. Tôi nghĩ đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực trước diễn biến của dịch Covid-19.
.Phần lớn kịch bản của ông đều phản ánh sự éo le của phận người, phải chăng đó là thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến công chúng bằng chính lòng trắc ẩn của mình?
- Tôi đặc biệt thích chăm chút cho nhân vật phản diện vì biết khán giả sành điệu cải lương khi xem vai ác không phải để được căm ghét mà để cảm thông, để nhận biết đâu đó bên dưới cái ác vẫn có một tâm hồn cần cứu rỗi. Bởi "nhân chi sơ, tánh bổn thiện" mà. Không ai định đoạt được số phận của mình. Mỗi người trong chúng ta đều nợ cha mẹ, bạn bè, người thân. Nên nước mắt hối hận của vai phản diện là gia tài giúp người xem làm giàu hơn nhân cách, thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh ý thức để tiếp tục bước đi giữa cuộc đời.
.Ông có suy nghĩ gì về sự kế thừa của lớp diễn viên trẻ?
- Cùng với sự co cụm lại của sân khấu sàn diễn, điểm diễn, các nghệ sĩ trẻ dù được đào tạo trường lớp chính quy hay theo dạng truyền nghề thì vẫn vô cùng thiếu thốn điều kiện để tôi luyện, rèn giũa để nâng cao khả năng ca diễn. Đó là những đêm diễn ít ỏi, những buổi tập vội vã để tiết kiệm kinh phí, không trừ những lúc các em vắng mặt vì phải đi kiếm tiền sinh sống nuôi nghề. Đừng trách các em khi những người có trách nhiệm sau rất nhiều năm vẫn chưa tìm ra một giải pháp căn cơ nào để dẫn dắt nghệ sĩ trẻ đi cho đúng hướng. Bây giờ, tôi thấy mình làm được gì thì làm, dìu dắt được các em, các cháu, giữ cho sân khấu nghiêm túc, chỉn chu đến được lúc nào thì giữ. Thế thôi!
Bình luận (0)