Họa sĩ Tô Dự sinh năm 1930 tại làng Thường Thạnh, Cái Răng (nay là huyện Châu Thành, TP Cần Thơ. Vốn say mê hội họa từ nhỏ, năm 15 tuổi, ông đã tham gia hoạt động văn nghệ và rất yêu thích vẽ.
Nét cọ dạt dào tình cảm
Thời trai trẻ, ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác trong đoàn Thanh niên Cứu quốc. Năm 1948, họa sĩ Tô Dự về hoạt động tại vùng kháng chiến Cà Mau và được chọn theo học lớp "Hội họa Kháng chiến" do Sở Thông tin Nam bộ tổ chức tại rừng U Minh Thượng, Cà Mau. Hai năm sau, ông được phân công làm phóng viên Báo Nhân Dân miền Nam do nhà cách mạng Trần Bạch Đằng làm tổng biên tập.
Năm 1957, ông theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tốt nghiệp đại học này vào năm 1961, ông được cử đi học tiếp ngành hội họa sơn dầu trong 7 năm tại Trường Đại học Mỹ thuật Ki-Ep (Liên Xô trước đây).
Họa sĩ Tô Dự (Ảnh do Hội Mỹ thuật TP HCM cung cấp)
Họa sĩ Tô Dự sở trường vẽ về phong cảnh. Trên 50 năm gắn bó với mỹ thuật, ông đã sáng tác bằng nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, bột màu, màu nước… Gia tài ông để lại cho cuộc đời là khối lượng lớn về ký họa.
Vừa là họa sĩ có nét vẽ tài hoa, ông còn là một nhà giáo, có 7 năm giảng dạy tại Hà Nội. Ông được xem là nhân chứng sống của hoạt động chuyên nghiệp mỹ thuật qua suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Sự nghiệp mỹ thuật của họa sĩ Tô Dự đã đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cao quý. Ông được trao Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng đã được trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, họa sĩ Tô Dự đã thể hiện khát vọng qua từng bức tranh. Nét vẽ của ông sôi sục tinh thần bảo vệ đất nước, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Với mỹ thuật sân khấu, từ hát bội cho đến cải lương, kịch, trang trí sân khấu, ông luôn thẳng thắn góp ý và luôn nhấn mạnh yếu tố gần gũi, mang hơi thở cuộc sống.
Gắn bó với nghệ sĩ sân khấu
Những sáng tác của ông được người thưởng ngoạn nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ đánh giá cao về chủ đề, nội dung và tính nghệ thuật.
Những tác phẩm như: "Quê tôi Cái Chanh", "Cầu dừa Cái Muồng", "Cầu Rạch Ngỗng", "Cảng Cần Thơ mới giải phóng", "Chợ nổi Cái Răng", "Ngã Sáu Đông Phước", "Sở Thượng – mùa nước nổi", "Chợ sớm trên sông", "Đến với bạn", "Nông trường sông Hậu", "Giặt quần áo thương binh", "Tráng phim trong rừng", "Cụ Nguyễn Ái Quốc đến biên giới"… đều được xem là những tác phẩm mang tầm vóc đỉnh cao, tạo ấn tượng đẹp đối với công chúng.
Một tác phẩm của họa sĩ Tô Dự
Điều ít ai biết, họa sĩ Tô Dự đã từng có mối liên hệ mật thiết với nghệ sĩ sân khấu. Ông đã từng công tác Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ. Lúc đó văn phòng đặt tại tư gia nghệ sĩ cải lương Kim Chưởng. Ông đã gắn bó với nhiều đoàn cải lương thời đó, lập cơ sở liên lạc và hợp bàn với các soạn giả, giới họa sĩ trang trí sân khấu lúc bấy giờ để dàn dựng các vở diễn mượn chuyện dân gian lên án quân xâm lược.
"Đó là khi ông được phép lên đường, vượt Trường Sơn, về Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ông là người họa sĩ tài hoa, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, là tấm gương đẹp của giới nghệ sĩ sân khấu miền Nam" - NSƯT Lê Thiện xúc động.
Do tuổi cao sức yếu, họa sĩ Tô Dự đã qua đời lúc 21 giờ 45 ngày 5-4, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ tang tổ chức tại số 10F3 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 9-4, sau đó sẽ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM.
Bình luận (0)