Nghệ nhân ưu tú Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng sinh năm 1942. Ông là cây viết sung sức trong sáng tác bài vọng cổ và bài bản tài tử. Gia tài ông để lại hơn 2.000 bài vọng cổ và bản tài tử, cùng với 20 kịch bản cải lương nổi tiếng.
Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hiền Ảnh: Đăng Minh
Ngoài sáng tác, ông cũng như NSND Bảy Bá (Viễn Châu) còn thạo nhạc cụ dân tộc. Nếu danh cầm Bảy Bá thiện nghệ đờn tranh thì ông điêu luyện với ngón đờn kìm trữ tình da diết nhất khu vực miền Đông Nam Bộ. Ông lớn lên từ môi trường nghệ thuật cách mạng, trong phong trào sáng tác kháng chiến, liên tục cho ra đời những bài ca cổ như lời hiệu triệu dễ đi vào lòng người dân. Đến thời kỳ xây dựng đất nước, sáng tác của ông tiếp tục có sức lan tỏa rộng khắp và đoạt nhiều giải thưởng.
Những bài vọng cổ của ông được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, hầu hết đều được NSƯT Thanh Hùng và NSƯT Ngọc Hoa thể hiện như: "Em bé Phú Riềng", "Vui kháng chiến", "Gởi bạn khúc tình ca", "Tiếng sóng biển tiếng quê hương", "Xuân vui Long An tươi màu lá mạ"…
Những kịch bản cải lương tiêu biểu của ông như: "Lá thư cô Hiếu" (giải nhất - Đài Phát thanh Giải phóng), "Đám cưới cô Trầm", "Vì sao anh chưa về?" (giải nhì - Đài Phát thanh Giải phóng), "Tiếng hát An Cơ" (huy chương bạc - Đoàn Cải lương Tây Ninh), "Chim quyên xuống đất" (huy chương bạc - Đoàn Văn công Đồng Tháp),... Các bài bản tài tử, bài lý: "Lý sáng trăng", "Lý bông đậu" và "Lý tầm quân" của ông đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Đờn hát dân ca toàn quốc - 1985.
Riêng về thể loại vọng cổ, từ sau năm 1975 đến 1995, ông sáng tác nhiều bài ca cổ nổi tiếng và được phổ biến rộng qua sự thể hiện của các danh ca như: "Bông điệp Sài Gòn" (nghệ sĩ Minh Cảnh ca), "Tấc đất tấc vàng", "Chuyến xe Tây Ninh" (NSND Thanh Tuấn ca), "Rẽ mạ đầu mùa" (nghệ sĩ Minh Cảnh - NSƯT Thanh Kim Huệ ca), "Lan trắng", "Cây thương nhớ", "Tâm sự Ngọc Hân", "Đường Bốn", "Đường ra trận hôm nay" (NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy ca)...
Bình luận (0)