Tôi và Trần Hữu Kham biết nhau từ thời sinh viên qua người bạn của tôi là Hồ Văn Hộ đang học cùng lớp với Kham tại Học viện Nông nghiệp (năm 1974 đổi tên thành Đại học Nông nghiệp Sài Gòn thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, nay là Trường ĐH Nông Lâm TP HCM). Ngày đó, không ít người làm quen với Kham không chỉ vì Kham học giỏi mà vì Kham có mấy cô em gái có học vấn và... xinh như mộng. Tôi và Hộ cũng nằm trong diện ấy nhưng chỉ biết... làm thơ ru tình, chứ chẳng làm nên cơm cháo gì, thậm chí mấy cô em của Kham không biết chúng tôi là ai.
Rồi một ngày, không ít người bất ngờ khi nghe tin sinh viên Trần Hữu Kham bị bắt vì là đảng viên cộng sản đang hoạt động tại nội thành. Sau đó, Kham đi tù ngoài Côn Đảo. Biết được những thông tin ấy, chúng tôi ngưỡng mộ lắm.
Sau giải phóng, Trần Hữu Kham tham gia chính quyền cách mạng, rồi bệnh tật ập đến, rồi cố gắng hoàn thành chương trình đại học, cố gắng học thêm chương trình đào tạo đại học tại chức ngành tiếng Anh. Chuyện học hành của Kham chẳng qua không muốn lãng phí thì giờ nhưng chúng tôi cũng thường xuyên cổ vũ. Đôi mắt của Kham yếu dần theo ngày tháng rồi mù hẳn nhưng Kham quyết tâm không muốn mình là người thừa.
Ngày Kham tặng cuốn sách dịch đầu tay của mình, Hộ nói không ai có thể biết trước được tương lai. Hồi còn đi học, tưởng tốt nghiệp xong đi theo ngành nghề đã học, vậy mà bây giờ đứa đi làm ngân hàng, đứa viết báo, đứa dịch sách văn học. Kham cười cười cho rằng khi muốn vượt qua số phận thì trong cái khó sẽ ló cái khôn. Chúng mình còn sống, còn làm việc là mừng rồi.
Công việc dịch thuật đối với người sáng mắt đã không dễ, đối với người như Kham càng khó khăn gấp vạn lần. Trước hết, Kham phải học đánh máy chữ. Khi có được cuốn truyện gốc, Kham nhờ người đọc, thu âm vào băng cassette. Kham mở băng nghe đi nghe lại, từ nào không hiểu nhờ người nhà, người thân tra giúp từ điển rồi tiến hành chuyển ngữ. Xong khâu này, Kham lại nhờ người đọc sửa lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả trước khi gửi cho nhà xuất bản. Quả thật, không có chí, không ai làm được.
Dịch giả Trần Hữu Kham và những tác phẩm của ông
Năm 2003, Trần Hữu Kham làm quen với máy vi tính, nên công việc có đỡ vất vả hơn nhiều, nhanh hơn nhiều.
Khó khăn như thế, lọ mọ như thế mà Trần Hữu Kham đã ra mắt bạn đọc 37 đầu sách. Trong giới dịch giả sáng mắt cũng ít có người dịch nhiều như Kham. Trong giới dịch giả mù mà dịch được nhiều đầu sách như Kham lại càng hiếm.
Cách đây gần 20 năm, tôi có viết những nỗ lực của Kham, đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Kham cười, khẳng định sống là phải làm việc.
Ngày Kham cưới vợ, tôi bận công tác xa, Hộ có đi dự và vui mừng điện cho tôi biết Kham có người vợ học ngành kiến trúc, làm việc ở Khu Chế xuất Tân Thuận. Qua một bài báo, cô ấy đến làm quen và trân trọng nghị lực "chống trời", không cam chịu số phận của Kham mà đến với Kham.
Bây giờ, dịch giả Trần Hữu Kham đã hoàn thành nhiệm vụ làm người một cách xuất sắc ở cõi đời này. TP HCM đang giãn cách xã hội phòng chống đại dịch Covid-19, nên tôi ghi lại chút tình cảm bạn bè như nén nhang lòng của chúng tôi tiễn đưa anh - một dịch giả đúng nghĩa của từ này.
Dịch giả Trần Hữu Kham, sinh năm 1952 ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tác phẩm chính đã xuất bản: "Truyện cổ nước Anh", "Hoàng tử Chim Bồ Câu trắng", "Tuyển tập truyện cổ và ngụ ngôn Vương quốc Anh", "Vua Nấm - Truyện cổ Estonia", "Cung Mèo - Truyện cổ Latvia", "Truyện cổ Hàn Quốc" (cùng dịch với Ahn Kyung Hwan), "Truyện cổ Ái Nhĩ Lan", "Truyện cổ Nhật Bản", "Tuyển tập truyện cổ và ngụ ngôn Vương quốc Anh", "Nhật ký Nancy", "Con gái của biển cả", "Cây thuyền buồm", "Bé không tên của mẹ", "Án mạng đêm Giáng sinh", "Đêm vô tận", "Những chiếc đồng hồ kỳ lạ", "Hẹn với Thần Chết", "Tội ác dưới ánh mặt trời", "Tình yêu lừa dối", "Đứa con của Annie", "Muốn sống", "Cô gái người Anh"...
Ông qua đời lúc 10 giờ 55 phút ngày 6-7-2021. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 8-7. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Bình luận (0)