Hung tin NSƯT Thanh Hoàng đột ngột ra đi khiến giới nghệ sĩ sân khấu nghẹn lời. Hai năm qua, anh chống chọi với bệnh ung thư, cuối cùng phải từ giã cõi trần như một định mệnh.
Mong ước chưa thành
Đang bệnh vậy mà hễ có vai phim truyền hình phù hợp, anh đều nhận lời, "cho đỡ nhớ nghề và có thêm thu nhập để trị bệnh" - anh nói trong nụ cười, cố lẩn tránh ánh mắt thương xót của bạn bè.
Vậy là anh đã không ráng thêm được một thời gian như anh từng khao khát để được chứng kiến sự kiện gì đó về kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, có sự ra đời của bài "Dạ cổ hoài lang", đã truyền cho anh cảm hứng để sáng tác ra vở kịch "Dạ cổ hoài lang" được công chúng yêu mến bao nhiêu năm qua.
NSƯT Thanh Hoàng
Một lần, anh phấn khởi nhắn tin cho mọi người: "Sắp có "Dạ cổ hoài lang 2" nha. Năm nay, nhân sự kiện một thế kỷ của sân khấu cải lương tự dưng tôi hứng, muốn viết phần 2". Ai nghe anh tâm sự cũng đều động viên, mong sao đó là liều thuốc hữu hiệu nhất để anh vượt qua bạo bệnh.
Trong những dịp trò chuyện, anh thường nói mình mang ơn chú bảo vệ khu phố nơi anh ở ngày xưa. Chú có chiếc radio nhỏ, mỗi ngày hai buổi trưa và tối, anh được chú cho nghe những bài ca cổ, trong đó có "Dạ cổ hoài lang", để từ đó anh yêu say đắm làn điệu đờn ca tài tử, thả vào đó những ước mơ. Anh từng nói: "Bài "Dạ cổ hoài lang" cho tôi niềm tin để phấn đấu đi theo con đường nghệ thuật".
Sân khấu là duyên
Những ai từng yêu thích Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B) đều nhớ như in những vai kịch của NSƯT Thanh Hoàng. Anh thường tâm sự, "5B" là ngôi nhà thứ hai của anh vì anh lớn lên trong một khu phố nghèo, bố mẹ chỉ lo nuôi các con ăn học nên người, còn hoài bão do tự mỗi người quyết định. Khi 17 tuổi, anh đã lăn lộn đủ nghề, từng làm nhân viên gác cửa vũ trường, phụ bán quán cà phê, xe hủ tiếu gõ, làm thợ hồ xây dựng, rồi nhân viên giữ xe đạp… Nghề cuối cùng anh làm là thợ lắp đặt ống cống. Tình cờ một hôm, anh được phân làm công trình lắp ống cống tại Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Trước khi lắp ống cống, anh phải xuống sâu để nạo vét. Từ dưới hố sâu, ngước nhìn lên không gian quảng cáo của trường, thấy hình Thành Lộc, Khánh Hoàng, Hồng Đào, Hồng Vân…, anh chợt nghĩ tại sao họ sáng đẹp thế kia, họ cùng trang lứa với mình, họ làm được mình cũng có thể làm được. Thế rồi anh quyết định thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2.
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Việt Anh trong vở kịch "Dạ cổ hoài lang" do NSƯT Thanh Hoàng sáng tác kịch bản
Lựa chọn đúng đắn
Những ai yêu quý NSƯT Thanh Hoàng đều biết anh là người có cá tính trầm lặng, ít nói về mình. Ngay nhận xét khen chê hoặc có những hờn trách gì ai, anh cũng chưa bao giờ to tiếng. Năm anh em trong nhà chỉ mỗi mình anh trở thành diễn viên sân khấu, đó là niềm tự hào của mẹ anh. Nhưng bà không hề biết bao đêm cậu con trai này cứ nguyện cầu Tổ nghiệp cho mình làm được điều gì đó xứng đáng với niềm tự hào của mẹ.
Vất vả vừa đi học vừa phải đi làm để có tiền phụ giúp gia đình, những ngày đầu khốn khó đến với nghề diễn, anh chỉ có mỗi sân chơi là sân khấu quần chúng, mà chiếc nôi là Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận.
Vở kịch đầu tiên anh mời mẹ đi xem mang tên "Thư video". Kịch bản anh viết, anh dàn dựng và đóng luôn cả vai ông lão. Mẹ anh đã khóc thật nhiều sau suất diễn đó nhưng bà nghẹn lời buông câu hỏi: "Rồi con lấy gì ăn khi kịch quần chúng không bán được vé?".
Thanh Hoàng đã xua đi nỗi lo của mẹ, tự an ủi chính mình rằng rồi một ngày thánh đường sân khấu sẽ chào đón bước chân anh. Quả nhiên không lâu sau đó, kịch bản "Dạ cổ hoài lang" của anh tham gia trại sáng tác năm 1994 đã vụt sáng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc một năm sau đó, đem về vinh quang cho những nghệ sĩ của Sân khấu nhỏ 5B tham gia vở diễn: Việt Anh, Thành Lộc, Quốc Thảo, Phương Linh. Từ dấu ấn này, anh bước vào thế giới sáng tạo chuyên nghiệp, trở thành một trong những nhân tố tích cực biến sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Anh đã viết tiếp nhiều kịch bản, trong đó ấn tượng hơn cả là: "Trầu cau", "Cha yêu", "Trở về"…
Về diễn xuất, Thanh Hoàng bắt đầu đa dạng hóa phong cách để có thể vừa diễn được hài, vừa lấy nước mắt người xem. Khi được đề bạt chức giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM, anh đã lèo lái đơn vị để vẫn giữ được phong độ dù sàn diễn bắt đầu bão hòa. Người nghệ sĩ này đã góp phần truyền lửa yêu nghề cho nhiều thế hệ diễn viên, tác giả, đạo diễn của nhà hát. Đến khi bệnh nặng, không thể tiếp tục đảm đương trọng trách, anh xin được nghỉ hưu để điều trị.
Thanh Hoàng vẫn thường tâm sự điểm lại quá trình bản thân, thấy mình có sự lựa chọn đúng đắn. Nghệ thuật đã gần như thay đổi đời anh, từ một thanh niên nghèo vượt lên gian khó sống hết mình với nghệ thuật, vừa kiếm được tiền vừa được làm nghề mình đam mê.
Vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa. Kịch bản anh viết không nhiều, vở diễn anh dựng cũng không quá 10 kịch mục nhưng tư duy, thủ pháp và nhất là những vai diễn đầy cảm xúc của anh đã là nền tảng để đồng nghiệp học hỏi và khán giả mãi nhớ về anh. Tiễn anh về đất mẹ, nghe câu hát "Dạ cổ hoài lang" của cụ Cao Văn Lầu, lòng càng thêm nặng trĩu...
NSƯT Thanh Hoàng tên thật Hồ Kim Hoàng, sinh năm 1963. Sau thời gian điều trị bệnh ung thư, anh trút hơi thở cuối cùng lúc 16 giờ 45 phút ngày 26-7, hưởng dương 55 tuổi. Tang lễ được tổ chức tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3). Lễ nhập quan: 6 giờ ngày 27-7. Lễ truy điệu: 8 giờ ngày 29-7.
Bình luận (0)