Ông bệnh nặng do té ngã phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), sau đó đưa về Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu và qua đời lúc 10 giờ ngày 25-1 do căn bệnh viêm phổi cấp tính, hưởng thọ 81 tuổi.
Khán thính giả khắp nơi mến mộ
Lần nào về Bạc Liêu tôi cũng ghé thăm ông, để được nghe ông kể chuyện sáng tác và những trải nghiệm, suy nghĩ trước xu thế sân khấu cải lương hôm nay. Nhìn lại con đường ông đi, từ chiến khu cho đến khi ngồi ghế chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, ông đều nói nôm na "tôi ăn cơm cải lương, thở bằng thi ca và nhìn với đôi mắt người làm văn học". Thời niên thiếu, ông nhớ nhất là năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi, ông đã thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Có bữa đói chỉ ăn trái bình bát thay cơm nhưng lòng sung sướng tự hào vì được đứng dưới ngọn cờ cách mạng.
Ông phấn đấu không ngừng để được tổ chức phân công, lần lượt qua các nhiệm vụ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau. "Tôi hăng lắm, từ những trải nghiệm này đã đưa vào sáng tác. Khí thế hào hùng của thanh thiếu niên thời đó đã mang lại cho tôi nhiều chất liệu để viết" - ông trải lòng.
Năm 1961, ông được điều về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau. Ông thừa nhận đây là giai đoạn sung sức nhất để đắm chìm trong sáng tác.
Soạn giả Trọng Nguyễn
Đến 10 năm sau, ông được tín nhiệm giữ chức bí thư chi bộ, chính trị viên Đoàn Văn công khu Tây Nam Bộ. Từ đó về sau, ông lần lượt giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Việt Nam, Liên Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam, ĐBSCL. Tác giả Lê Duy Hạnh khi nói về soạn giả Trọng Nguyễn đã khâm phục tinh thần lao động nghệ thuật rất sắc bén, bền bỉ. "Những bản ca cổ như: "Chợ Mới", "Quê anh quê em", "Giọt sữa cuối cùng", "Bên sông Vàm Cỏ", "Đôi mắt"… được khán thính giả khắp nơi mến mộ. Các sáng tác của ông sau khi tách khỏi giai điệu, mỗi bài ca trở thành một tác phẩm văn học. Trong đó có hình tượng nghệ thuật với lối văn kể chuyện, đối thoại rất cụ thể, sống động và chưa bao giờ hình tượng ấy bị vụn vặt, kể lể. Chính sự cô đọng của bài ca cổ và kịch bản cải lương mang chất văn học đã làm nên tên tuổi của Trọng Nguyễn" - tác giả Lê Duy Hạnh nói.
Cải lương là máu thịt
Có lần tôi thắc mắc về bút danh của ông, vì sao không lấy đúng tên Nguyễn Phú Xuân, mà lại là Trọng Nguyễn. Ông lý giải chữ Nguyễn tất nhiên là họ, còn chữ Trọng, với dân Nam Bộ thì trọng tình, trọng nghĩa và trọng chữ tín. Do vậy, khi đã thành danh, ông ít nhận lời viết theo đơn đặt hàng, cho dù được trả cát-sê cao đến mấy.
Ông cùng với soạn giả Viễn Châu, Yên Lang, Kiên Giang, Quy Sắc, Mộc Linh, Hoàng Khâm…là những tên tuổi sáng tác với nguyên tắc quan sát cuộc sống, tìm ý tứ cho bài ca. Có nhiều bài ca cổ ông phải mất khá lâu mới đủ tứ để viết. Mỗi lần nghe câu vọng cổ: "Anh xin kể đây, chuyện quê anh đánh tàu binh bằng xuồng câu và ghe biển. Giữa sóng gió mênh mông với tấm lòng yêu nhà thương xóm, nghe khóe mắt cay cay mỗi khi người thân vĩnh biệt sau trận pháo nổ bom gầm. Sóng gió trùng dương còn thua xa từng đợt sóng ngầm đang ngùn ngụt trong lòng người trai quê biển, từ kinh Mười Bảy, Năm Căn đến Rạch Gốc, Viên An…" là tôi lại thấm sự bi tráng, tự hào của cuộc đời những con người Nam Bộ bám đất, giữ làng cho đến hơi thở cuối cùng.
Nghe những sáng tác của ông, thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau luôn cảm thấy tự hào trước giá trị của hòa bình, độc lập. Giữa xu thế hiện nay khi giới trẻ có quá nhiều lựa chọn gu thẩm mỹ, giải trí, nghệ thuật cải lương, theo ông, phải tìm cách chinh phục tuổi trẻ bằng chính hơi thở cuộc sống. Ông nói: "Cải lương 100 tuổi rồi còn gì. Dân tộc còn, cải lương không chết. Muốn trẻ hóa đúng với câu "cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh" thì phải đi từ nhịp sống của tuổi trẻ. Làm cho tuổi trẻ xa rời nó là mình có lỗi".
Trong tôi còn vang mãi những lời ca trong các tác phẩm sân khấu bất hủ của ông như: "Rừng thần", "Giọt máu oan cừu", "Bóng biển"… Ngòi bút của ông không mất đi, vẫn đồng hành cùng thế hệ sáng tác trẻ, để hướng đến trái tim yêu chuộng hòa bình, dốc sức bảo vệ gấm vóc giang sơn và xây dựng sự phồn vinh tươi đẹp.
Ông đã về với đất mẹ, mãi mãi lưu dấu trong ký ức người mộ điệu tình cảm của người con Bạc Liêu dâng trọn cho nghệ thuật cải lương.
Với kịch bản cải lương, ông không chạy theo sự ca ngợi sáo rỗng, khoa trương mà đi vào chiều sâu tâm lý của các nhân vật cần tôn vinh. Ông vẫn thường nói khi ca ngợi những chiến công, phải luôn thấu hiểu. Không cường điệu thì điều vinh quang đó mới đi vào cảm nhận người xem, tìm được sự đồng thuận sâu sắc.
Danh sĩ đất Bạc Liêu
NSND Ngọc Giàu nhớ lại: "Tại hội thảo 90 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang", tôi gặp ông và hỏi vì sao ông sinh trưởng ở Cà Mau mà lại nặng lòng với Bạc Liêu. Ông cười và nói đất Bạc Liêu cho ông nhiều chất liệu để sáng tác, để chiêm nghiệm nên ông viết nhiều bài ca cổ về Bạc Liêu và được bà con khán giả thương mến. Ông chọn đất sản sinh bài "Dạ cổ hoài lang" để làm chủ đề chính cho sáng tác, những mong góp phần giáo dục tuổi trẻ đồng bằng phải trân quý nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đất Bạc Liêu đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho ông thì ông có trách nhiệm đáp lại bằng những sáng tác ca ngợi quê hương của bài vọng cổ và chiếc nôi của sân khấu cải lương Nam Bộ".
Bình luận (0)