Sáng 31-7, chương trình nghệ thuật "Hoa quê hương lần thứ 100" nhân kỷ niệm 40 năm thành lập CLB Tiếng hát Quê hương (1982-2022) đã được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM. Đây là mái nhà chung của những tâm hồn yêu âm nhạc dân tộc, đã ra đời và được nuôi dưỡng từ trái tim của những nhà giáo, nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ chuyên hát dòng nhạc mang âm hưởng dân ca.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, Chủ nhiệm CLB Tiếng hát Quê hương.
Với mục đích bảo tồn, phổ biến và phát triển ca múa nhạc dân tộc, CLB Tiếng hát quê hương được thành lập từ năm 1981, lúc đầu có 7 học viên tại cơ sở Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, với tên gọi Ban nhạc Dân tộc. Đến năm 1984, CLB chuyển về Cung Văn hóa Lao động TP HCM.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan - người sáng lập, đồng thời cũng là nhà giáo ươm mầm cho những tài năng trẻ - nhắc lại: "Trải qua 40 năm hoạt động, CLB Tiếng hát quê hương thật sự trở thành điểm hẹn thân quen của đông đảo người yêu thích và mộ điệu loại hình âm nhạc dân tộc. CLB đã nỗ lực trong muôn vàn khó khăn để duy trì hoạt động, trở thành đơn vị xã hội hóa âm nhạc dân tộc đầu tiên, lớn mạnh tại TP HCM".
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TP HCM, tặng hoa chúc mừng Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan không quên nhắc đến sự động viên tinh thần và đồng hành của cố GS-TS Trần Văn Khê để bà có đủ sức mạnh lèo lái CLB hoạt động đúng định hướng, tiêu chí đề ra trong suốt 40 năm qua. Con đường đi của CLB Tiếng hát quê hương trong 40 năm là bảo tồn nghệ thuật dân tộc, cổ truyền mà ông cha để lại, dựa vào đó phát triển cái mới không vay mượn bên ngoài.
Nhiều thế hệ nghệ sĩ âm nhạc dân tộc đã gắn bó với CLB Tiếng hát Quê hương.
Các nghệ sĩ nhiều thế hệ đã gắn bó với CLB đều có nhận xét chung là giáo trình giảng dạy, cách điều hành CLB đã có nhiều đổi mới, nhưng không làm mất đi tính dân tộc trong âm nhạc truyền thống. CLB đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn giới thiệu âm nhạc dân tộc tại các trường đại học, trung học, tiểu học.
Không chỉ hoạt động trong nước, 40 năm qua CLB Tiếng hát Quê hương còn mở rộng việc giao lưu, biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới và thông qua "Nhạc hội đàn tranh châu Á", "Hội ngộ đàn tranh toàn quốc", mời nhiều nghệ sĩ đàn tranh ở các nước về Việt Nam biểu diễn.
Hòa tấu sáo trúc
Tốp nam hòa tấu Tỳ Bà
Một số tài năng âm nhạc dân tộc trưởng thành từ CLB sau này định cư ở nước ngoài đã tiếp nối tinh thần đó, tham gia biểu diễn, mở các lớp dạy nhạc cụ, như: Thiên Lan ở Đức (đàn tranh, đàn bầu), Hải Yến ở Mỹ (đàn tranh), Minh Châu ở Thụy Điển (tranh, tam thập lục, tỳ bà).
Các em học sinh trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, TP HCM hòa tấu đàn tranh bài “Lý cây bông” do các thầy cô CLB Tiếng hát Quê hương đào tạo.
Đặc biệt, cách đây không lâu Shino Midori Thúy (người Nhật, từng là giảng viên tiếng Nhật tại Đại học KHXH-NV TP HCM) trong thời gian ở TP HCM đã đến học đàn bầu tại CLB Tiếng hát quê hương. Khi trở về nước, chị xin phép CLB Tiếng hát quê hương được mở "chi nhánh" của CLB tại Tokyo để dạy đàn bầu.
Tiến sĩ - NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng trao tặng hoa cảm ơn nghệ sĩ sáo trúc Trần Văn Sơn, đã đóng góp thành quả cho lớp dạy sáo trúc tại CLB trong thời gian qua.
Bình luận (0)