Vở "Tiếng trống Mê Linh" do NSƯT Kim Tử Long đạo diễn đã công diễn thành công tại thủ đô Hà Nội tối 15-10
Tối 15-10, chương trình "Ngôi sao phương Nam" lần thứ 10 do NSƯT Kim Tử Long phối hợp với Công ty VietArt tổ chức đã mang đến nhiều thiện cảm cho số đông khán giả mến mộ nghệ thuật cải lương qua vở diễn kinh điển "Tiếng trống Mê Linh" (tác giả Việt Dung, Vĩnh Điền, đạo diễn: NSƯT Kim Tử Long).
Câu chuyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng chống quân xâm lược đã được tái hiện hết sức hào hùng.
Cảnh trí, âm nhạc được đầu tư công phu, cuốn hút người xem
Trong thời Bắc thuộc, người Việt tại Giao Chỉ sống dưới sự cai trị hà khắc của nhà Đông Hán, ngay cả lễ giỗ Tổ Hùng Vương cũng không được tổ chức. Vì hận nước, dù sinh mạng của chồng là Thi Sách bị Thái thú Tô Định đe dọa đưa lên giàn hỏa thiêu, Trưng Trắc đã lập bàn thờ tế sống chồng mình, rồi cùng em gái Trưng Nhị lãnh đạo người dân Nam khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược.
Trong vở tuồng, NSƯT Ngọc Huyền khi thể hiện đoạn Trưng Trắc cất lên lời hiệu triệu: "...Hỡi đồng bào trăm họ/ Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/ Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/ Thà chết mà đứng thẳng/ Không cam chịu sống quỳ/ Đất nước Nam cẩm tú/ Người dân Nam anh hùng/ Trước đền thờ Quốc Tổ/ Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/ Xin thề!" đã khiến cả khán phòng vang dội những tràn pháo tay.
NSƯT Ngọc Huyền, Kim Tử Long và Hữu Châu được khán giả thủ đô yêu mến trong vở "Tiếng trống Mê Linh"
Vở tuồng chấm dứt khi quân Nam đuổi hết được quân Hán ra khỏi bờ cõi và Trưng Trắc (NSƯT Ngọc Huyền), Trưng Nhị (NS Trinh Trinh) tuyên bố "Hãy nổi trống đồng, cho con cháu ngàn sau tiếp nối hồn thiêng giống nòi bất khuất... Đất nước Nam độc lập muôn đời!".
NSƯT Kim Tử Long cho biết anh quyết định thực hiện chương trình "Ngôi sao phương Nam" lần 10 với kịch bản "Tiếng trống Mê Linh" vì thăm dò khán giả thủ đô hơn 20 năm qua rất mong được thưởng thức tác phẩm giá trị này. Tiếng vang của vở với bản dựng của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và đã từng được HTV ghi hình năm 1978 (bản đen trắng), đến nay vẫn còn in đậm trong ký ức khán giả.
NS Bình Tinh (người thứ hai từ phải sang) cùng các nữ nghệ sĩ tham gia vỏ "Tiếng trống Mê Linh" được khán giả khen ngợi
Nguyên tác dựa trên kịch bản ca kịch với 5 màn mang tên "Trưng Vương" của soạn giả Việt Dung soạn vào khoảng những năm 1960, được xuất bản vào năm 1972 tại Hà Nội. Sau khi đoàn Thanh Minh được tái lập năm 1975, soạn giả Vĩnh Điền được giao nhiệm vụ chuyển thể vở ca kịch sang cải lương.
Ông đặt tên mới cho vở cải lương là "Tiếng trống Mê Linh" và hợp tác với 2 soạn giả khác là Viễn Châu và Nguyễn Phương để hoàn thiện kịch bản. Vở cải lương được đạo diễn Ngô Y Linh dàn dựng trên sân khấu và đưa ra công diễn vào dịp đón xuân 1977. Trong vở hội tụ nhiều diễn viên tài danh từng đoạt giải Thanh Tâm như: Thanh Nga (1958), Hùng Minh (1959), Bích Sơn (1960), Thanh Sang (1964) và Bảo Quốc (1967).
"Chúng tôi dàn dựng mới với phần âm nhạc do nhạc sĩ NSƯT Minh Tâm, nhạc sĩ Thanh Phúc viết lại, cảnh trí, phục trang, đạo cụ đều được đầu tư mới. Tình cảm và sự đón nhận của khán giả thủ đô đã tiếp thêm sức mạnh, để chúng tôi tiếp tục tái diễn vở này tại TP HCM, sau đó vào tháng 12 sẽ lưu diễn tại Đà Nẵng" - NSƯT Kim Tử Long nói.
Từ trái sang: Trinh Trinh, Bình Tinh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long trong vở "Tiếng trống Mê Linh"
NSƯT Hữu Châu trong vai Thái thú Tô Định (vở "Tiếng trống Mê Linh")
Tối 16-10, vở "Tiếng trống Mê Linh" còn diễn thêm một suất tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội trong niềm háo hức của số đông khán giả yêu mến nghệ sĩ cải lương đến từ TP HCM.
Bình luận (0)