Vụ kiện giữa Scarlett Johansson - một trong những nữ diễn viên được trả thù lao cao nhất thế giới - và hãng Walt Disney xoay quanh việc phát hành phim "Black Widow" ở rạp và trên nền tảng thu phí được đánh giá có thể mang lại thay đổi lớn cho điện ảnh thế giới thời hậu Covid-19.
Cuộc chiến pháp lý này dẫu khó thay đổi thực tế ngày càng có nhiều phim được phát hành song song tại rạp và trên nền tảng thu phí nhưng sẽ định hình lại mối quan hệ giữa đội ngũ sản xuất, diễn viên và nhà sản xuất sở hữu tác phẩm điện ảnh trong tương lai.
Tranh cãi về phát hành song song
Trong đơn kiện nộp lên Tòa Thượng thẩm Los Angeles (Mỹ), Scarlett Johansson cùng đội ngũ pháp lý tố cáo Walt Disney vi phạm điều khoản hợp đồng khi phát hành phim "Black Widow" tại rạp cùng lúc với trên nền tảng thu phí. Theo thỏa thuận, cô sẽ được hưởng 1% doanh thu phòng vé của "Black Widow" nhưng nữ diễn viên này tin rằng mình bị thiệt hại lên đến 50 triệu USD.
Trong bản hợp đồng, Walt Disney chỉ đề cập hình thức phát hành phim là công chiếu rạp và điều đó có nghĩa phim phải được phát hành độc quyền tại rạp cho đến khi thời gian chiếu rạp kết thúc. Luật sư của Scarlett Johansson cho rằng việc phát hành trực tuyến "Black Widow" chỉ giúp hãng phim tăng lượng người đăng ký tài khoản trên nền tảng thu phí Disney+ của hãng và thu lợi khổng lồ từ cổ phiếu tăng trong khi quyền lợi diễn viên bị làm ngơ.
Nữ diễn viên Scarlett Johansson khởi kiện Walt Disney sau khi phim “Black Widow” được công chiếu Ảnh: REUTERS
Phim "Black Widow" thu về ít nhất 80 triệu USD tại rạp ở thị trường Bắc Mỹ chỉ sau 3 ngày ra mắt (từ 9 đến 11-7). Cùng thời gian này, phim thu thêm 60 triệu USD từ những khán giả chịu chi thêm 30 USD bên cạnh mức phí hằng tháng để thưởng thức bộ phim tại nhà thông qua Disney+. Tuy nhiên, doanh thu phòng vé của bộ phim tăng chậm lại sau đó và hiện chỉ mới đạt mức hơn 346 triệu USD trên toàn cầu. Con số này được cho là khá khiêm tốn và đơn kiện cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc phát hành trên nền tảng thu phí. Scarlett Johansson thu ít hơn trong khi cổ phiếu của Walt Disney thì tăng cao trước sự phấn khích của Phố Wall về thành công của xu hướng phát hành phim qua nền tảng thu phí.
Hãng Walt Disney đã bác bỏ cáo buộc trên khi nhấn mạnh họ tuân thủ hợp đồng với nữ diễn viên Scarlett Johansson. "Vụ kiện tụng này thật đáng buồn và điều đau buồn hơn nữa là nó cho thấy sự thờ ơ nhẫn tâm trước những ảnh hưởng khủng khiếp, kéo dài trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 mang lại’’ - hãng Walt Disney tuyên bố, đồng thời nói thêm họ buộc phải sa thải 32.000 nhân viên vào năm ngoái. Công ty này cũng khẳng định việc phát hành song song tại rạp và trên nền tảng thu phí giúp nâng cao khả năng Scarlett Johansson có thêm thu nhập bên cạnh khoản thù lao 20 triệu USD.
Định hình tương lai
Việc Scarlett Johansson khởi kiện Walt Disney trở thành chủ đề thảo luận của giới chuyên gia, nhất là khi nhiều công ty truyền thông đang thúc đẩy phát triển nền tảng thu phí trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khiến nhiều rạp ở các nước trên thế giới tạm đóng cửa để phòng chống dịch. Họ cho rằng dù kết quả thế nào, vụ kiện này cũng giúp định hình tương lai thị trường điện ảnh thế giới thời hậu đại dịch Covid-19.
Khi dịch Covid-19 hoành hành, thế giới đã chứng kiến sự phát triển bứt phá của các nền tảng thu phí. Hệ thống rạp buộc phải chấp nhận phân chia thị phần cùng nền tảng thu phí như xu thế thời đại. Kết quả vài cuộc khảo sát cho thấy khả năng "chung sống hòa bình" giữa rạp phim và nền tảng thu phí là rất cao. Tuy nhiên, xung đột lợi ích giữa lực lượng tham gia làm phim và các nhà sản xuất lớn khiến vấn đề minh bạch về doanh thu được quan tâm nhiều hơn.
"Một minh tinh danh tiếng, giàu có mất tiền, bất hòa với hãng sản xuất không phải vụ tranh chấp lao động điển hình nhưng rõ ràng việc phát hành phim điện ảnh trên nền tảng thu phí cùng lúc với tại rạp đang tác động đến thù lao của các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và những người lao động khác ít tiếng tăm hơn Scarlett Johansson. Hiện hầu như không có bất kỳ số liệu thống kê lượng người xem của các phim phát hành trên nền tảng thu phí, nên rất khó để các công ty quản lý đánh giá giá trị kinh tế của dự án để đề xuất thù lao phù hợp" - cây bút Chris Lindahl của trang IndieWire viết.
Một số hãng sản xuất phát hành phim song song chấp nhận trả thêm thù lao cho diễn viên, đạo diễn… Tuy nhiên, cũng có một số hãng lại không đồng ý, dẫn đến phản ứng bất bình, mâu thuẫn. Cuối năm 2020, hãng Warner Bros phải trả thêm cho nữ diễn viên Gal Gadot và đạo diễn Patty Jenkins mỗi người 10 triệu USD để nhận sự ủng hộ của họ trong việc phát hành phim "Wonder Woman 1984" trên nền tảng thu phí HBO Max. Sau đó, nhiều ngôi sao của hãng này bày tỏ bức xúc vì không nhận được khoản tiền tương tự.
Rõ ràng, nếu muốn tạo hướng phát triển cho nền tảng thu phí, các hãng sản xuất lớn buộc phải minh bạch trong hợp đồng với đội ngũ sản xuất và diễn viên. Họ cũng cần minh bạch thông tin về doanh thu, số lượng người xem từng phim được phát hành cùng lúc tại rạp và trên nền tảng thu phí. Đây cũng là một giải pháp để dung hòa những mâu thuẫn khó tránh một khi các hãng sản xuất phim tăng cường phát triển nền tảng thu phí như một hướng phát hành quan trọng không kém hệ thống rạp.
Scarlett Johansson không đơn độc
Một số minh tinh cũng cân nhắc tiếp bước Scarlett Johansson trong việc đối đầu trực tiếp Walt Disney, một trong những hãng sản xuất phim lớn nhất thế giới. Emma Stone được cho là đang cân nhắc kiện Walt Disney quanh việc phát hành phim "Cruella". Phim này được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng doanh thu không được ấn tượng và nguyên nhân có thể là việc phát hành song song tại rạp và trên nền tảng thu phí.
Minh tinh Emily Blunt, nữ chính của phim "Jungle Cruise", cũng được cho là sẽ theo dõi doanh thu phim này tại phòng vé trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Cô từng phản đối hãng Paramount phát hành bộ phim "A Quiet Place 2" lên mạng sau 45 ngày ra rạp. Phim "Jungle Cruise" ra rạp tại Mỹ ngày 30-7 và cũng theo hình thức phát hành song song. Phim hiện thu hơn 74 triệu USD toàn cầu và 30 triệu USD trên nền tảng thu phí Disney+.
Bình luận (0)