Ngày 27-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, đã đưa ra một số quan điểm về bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" gây xôn xao dư luận thời gian gần đây bởi những bối cảnh và câu thoại về biển Đông.
Phần cuối của phim "Điệp vụ biển Đỏ" có đoạn: "Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay". Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc xua đuổi các tàu lạ là vi phạm về tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về ý kiến này, TS Trần Công Trục cho rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, quy chế pháp lý của lãnh hải là 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; trong đó có những quy định bảo đảm quyền tự do đi lại của tất cả các loại tàu thuyền hoạt động trên biển.
"Trong lãnh hải, tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu quân sự được quyền "đi qua vô hại"; trong vùng đặc quyền kinh tế, được quyền "tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt cáp ngầm và ống dẫn dầu. Tuy nhiên, cần phải tuân theo những điều kiện cần thiết để không làm ảnh hưởng và cản trở đến việc thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển. Vì vậy, nếu lời cảnh báo được phát ra từ tàu Hải quân Trung Quốc trong đoạn cuối bộ phim là chưa phù hợp với quy chế nói trên, không đúng với chức trách của lực lượng hải quân theo thông lệ quốc tế" - TS Trần Công Trục nói.
Cảnh cuối phim mang nội dung tuyên truyền mưu đồ xâm chiếm biển Đông trái phép của Trung Quốc. (Ảnh cắt từ phim)
Nói về trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, duyệt cho công chiếu bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ", ông Trần Công Trục đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì cần có chế tài đặc biệt để xử lý nghiêm minh.
Trao đổi với báo chí chiều 27-3, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cho hay theo Luật Điện ảnh, nếu không chứng minh được điều gì vi phạm của phim mà cấm không cho phát hành thì sẽ vô lý. Nếu không có được những bằng chứng cho thấy bộ phim "Điệp vụ biển Đỏ" vi phạm các điều cấm của Luật Điện ảnh mà cấm không cho phim phát hành là vô lý, người ta sẽ nói rằng vì sao lại cấm chiếu phim Trung Quốc ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Biên cũng cho rằng nếu đúng là trong phim có dùng từ quần đảo Nam Sa (như một số thông tin cho rằng trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã viết) thì Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã sai. Sơ suất ở đây là vấn đề biển đảo là vấn đề nhạy cảm không lường trước.
Bình luận (0)