Ngay từ khi công bố dự án chuyển thể, phim "Lion King" (tên Việt: "Vua sư tử") đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Vì từ lâu, "Vua sư tử" đã trở thành bộ phim hoạt hình kinh điển trong lòng người xem, nhất là với khán giả thiếu nhi.
Với những thước phim đẹp mắt, tạo hình nhân vật sống động, đồ họa tinh xảo chân thật, chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ khiến người xem không thể rời mắt. Yếu tố dường như không thể thiếu của các bộ phim hoạt hình Disney đó là âm nhạc. Sự lồng ghép các bài hát một cách vừa phải, đúng lúc đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc hơn cho người xem. Từ đó, ta thấy được sự đầu tư lớn của Disney vào "Vua sư tử", khi bỏ ra 6.000 tỉ đồng để đổi lấy sự hoàn hảo từ phần nhìn lẫn phần nghe là hoàn toàn xứng đáng.
Disney luôn làm tốt vai trò truyền cảm hứng và ý nghĩa cuộc sống thông qua các bộ phim của mình. Ở "Vua sư tử", ta thấy quy luật tự nhiên của vạn vật từ cuộc sống bầy đàn nơi hoang dã. Sư tử chết xuống hòa vào cỏ cây, linh dương ăn cây cỏ rồi lại trở thành mồi của sư tử. Tất cả đều phải chịu sự chi phối của quy luật vũ trụ: sinh ra, trưởng thành rồi chết đi, "mặt trời này lặn sẽ có mặt trời khác mọc lên". Mọi thứ cứ diễn ra theo vòng tròn mà Mufasa đã dạy cho Simba đó chính là "vòng tròn sinh mệnh". Một yếu tố khác không thể thiếu để tạo nên sự hấp dẫn cho bộ phim chính là bộ đôi chồn Timon và lợn lòi Pumbaa với sự ngô nghê cùng những câu nói triết lý "không đỡ nổi" đã thêm phần hài hước, dí dỏm cho câu chuyện.
“Vua sư tử” 2019 được đầu tư hoàn hảo cả phần nhìn lẫn phần nghe
Dĩ nhiên, việc một phim làm lại từ một tác phẩm kinh điển không khỏi khiến khán giả đặt lên bàn cân so sánh. Ra đời năm 1994, bộ phim hoạt hình thứ 32 của Disney đã trở thành niềm tự hào của hãng phim quyền lực này. Hoạt hình "Vua sư tử" năm 1994 tạo ra cái bóng quá lớn khiến cho bản 2019 phải e dè, nhất là chuyện doanh thu. Sử dụng 2 kỹ thuật làm phim khác nhau với công nghệ cách biệt tới 25 năm, giữa một bên là kỹ xảo đồ họa tinh vi và một bên là những nét vẽ hoạt hình truyền thống.
"Vua sư tử" bản 2019 giữ nguyên kịch bản của năm 1994, đều lấy cảm hứng từ bi kịch "Hamlet" của Shakespeare. Nền tảng vững vàng này dễ khiến cho việc cải biên phá hỏng cấu trúc của phim nhưng đồng thời sự trung thành tuyệt đối cũng khiến khán giả từng thuộc nằm lòng câu chuyện "Vua sư tử" bản 1994 không còn gì hứng thú vì thiếu những điều bất ngờ mang lại ở phiên bản này.
Bản làm lại này có thể vẹn toàn mọi khâu, thậm chí sống động hơn, chân thực hơn về hình ảnh nhưng nhiều khi những lối vẽ cách điệu của bản 1994 khiến trí tưởng tượng của người xem gợi mở hơn. Công nghệ hiện đại đã thay đổi hoàn toàn thế giới hoạt hình nhưng có lẽ trong tâm hồn tuổi thơ những khoảng dành cho mơ mộng chiếm phần hơn.
Ít tháng trước, bộ phim hoạt hình kinh điển "Vùng đất linh hồn" của bậc thầy Miyazaki Hayao do Nhật Bản sản xuất ra mắt trên màn ảnh rộng ở Trung Quốc, sau 18 năm, đã đánh bại "Câu chuyện đồ chơi 4" tại thị trường vốn được xem là niềm hy vọng mới của các nhà làm phim Bắc Mỹ. Suốt 18 năm đó, người dân Trung Quốc đã xem đi xem lại trên truyền hình, trên mạng nhiều lần phim "Vùng đất linh hồn", thuộc nằm lòng từng chi tiết nhưng khi phim ra rạp lần đầu, họ vẫn quyết định đến xem.
Qua đó để thấy rằng có một miền cảm xúc trong nghệ thuật hoạt hình mà công nghệ khó có thể lấp đầy.
Bình luận (0)