Lại đôi khi có sắc màu xanh rõ mồn một lại hoàn toàn không liên quan, liên can gì đến sắc màu: "Xanh không thủng cá đi đàng nào", xanh là "thứ chảo đứng vành" ("Đại Nam quấc âm tự vị" -1895), hàm nghĩa phải có người lấy, chứ không thể sa sẩy, mất mát một cách vô lý như thế. "Xanh nhà, lợn gà người", bề ngoài thì có vẻ của mình nhưng thực chất là của người khác; câu có nghĩa tương tự: "Bè ta, gỗ chú nó". Còn câu "Xanh vỏ, đỏ lòng", dùng để chỉ sự không tương hợp giữa bên ngoài và bên trong, giữa hình thức và nội dung, giữa hiện tượng và bản chất.
Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, có câu: Lọc đời gạn lấy tinh anh/ Thử xem trò trống ông xanh thế nào?
Xin hỏi "ông xanh" là ai? Là ông trời chứ còn ai lọt vào đây nữa. "Ngồi buồn mà trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười" (Nguyễn Công Trứ). Đôi khi không dùng "ông xanh" để chỉ tạo hóa/ ông tạo, người Việt còn dùng từ "xanh xanh". Đọc truyện thơ Nôm khuyết danh "Phan Trần", ta nhận ra:
Xanh xanh chẳng giúp anh hùng/ Thì chi lũ kiến, đàn ong tơi bời
Đọc Kiều, ai lại không nhớ đến câu: "Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh"; hoặc nghe câu "đầu xanh tuổi trẻ". Đầu ắt có tóc. Thật lạ, tóc nhanh nhánh hạt huyền, chẳng ai gọi tóc đen mà nói rất ư hình tượng "tóc xanh". Quái quỷ thật, lại còn có cả "Đói xanh xương" là gì? Ý nói là đói quá, rất đói, đói cồn cào.
Nhưng câu thơ của Tế Hanh mới "rắc rối" hơn nhiều: "Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị"; là xanh ra làm sao? Trộm nghĩ, ở đây Quảng Trị từ địa danh, danh từ riêng đã ngầm hoán đổi qua tĩnh từ; mà, tĩnh từ này ngụ ý sức sống, tinh thần lạc quan dẫu đã trải qua giông tố chiến tranh, bom đạn dữ dội chết chóc… Một khi nhà thơ nói "Trời vẫn xanh" thì tất nhiên trời xanh, nhưng ta còn phải hiểu là nhằm chỉ về con người kiên cường, anh dũng tại Quảng Trị nữa.
Từng nghe đến câu "Xanh cỏ, đỏ ngực", ai cũng hiểu rằng, nếu ham hố đeo huy chương "đỏ ngực" ắt dễ ngỏm củ tỏi, dễ "xanh cỏ" như chơi. Thế nhưng, "Xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi" thì "xanh cỏ" này lại chính là… "cỏ xanh" đấy thôi, chẳng lắt léo gì ráo. Rằng, dân thợ nề, thợ ngạch đến dựng nhà lúc nơi ấy còn um tùm những cỏ; lúc nhà xây xong, ngói đỏ lợp thì họ cuốn gói đi nơi khác, giao nhà cho gia chủ. Mà thôi, xanh thế nào cũng được nhưng có lẽ phản cảm nhất trên đời này là khi nghe nhắc đến… "lầu xanh"!
Bình luận (0)