xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xích lô Huế

Truyện ngắn dự thi của LÊ HỒNG LÂM

Kỳ nào về Huế, tôi cũng làm một cuốc xích lô.

Đi xích lô ở Hà Nội, Sài Gòn là kiểu đi cảnh vẻ, kiểu cho Tây. Nhưng ở Huế thì đúng là thành phố của xích lô. Đường vắng, phố nhỏ, nhiều cây cối, yên bình. Nhịp sống chậm chạp, lừ đừ, cũ kỹ. Còn gì thích hơn là ngồi trên một chiếc xích lô thong dong, thích đâu dừng đó, mua ít quà đặc sản, ăn vài món đặc sản ven đường. Mấy anh lái xích lô ở Huế cũng dễ thương, hay bắt chuyện.

Thế nên lần nào về Huế, tôi cũng leo lên xích lô.

Nhớ Tết năm nào về Huế, vừa mưa vừa rét, thế mà vẫn leo lên một chiếc xích lô đi ăn bánh canh cá lóc. Tôi mời anh xích lô vào ăn luôn. Ăn xong ấm bụng, anh xích lô gạ:

- Anh về Huế chơi mà chưa xuống Vĩ Dạ là phí phạm lắm anh nờ (*). Gái dưới đó đẹp mà bọng hắng (bọn hắn) "mác xa" (mát xa) hay lắm. Toàn gái Quảng Bình vô.

Tôi chợt nhớ câu hát cải biên "Ôi Huế của ta, hai phần ba Quảng Bình", rồi hỏi:

- Thế gái Huế mô mà toàn gái Quảng Bình vô?

- Thì chừ gái Huế đẹp bọng hắng đi lấy Tây với Việt kiều hết, còn không thì bọng hắng vô Sài Gòn mần ăn hết. Mà anh yêng tâm, gái Quảng Bình bựa ni bọng hắng cũng ngoong (ngon) lắm, mà mác xa thì hết chỗ chê.

- Sao anh biết sành vậy?

- Thì lần mô khách Hà Nội, Sài Goong vô Huế em toàng đưa mấy anh xuống dưới nớ. Mấy anh thích lắm, kêu đi hoài. Có bận còn cho em vô mác xa luông (luôn).

Nghe đến đó, tôi kêu anh xích lô tấp vô lề, rồi "tiễn vong" luôn.

Kỳ này, tôi có ba tiếng đồng hồ ở Huế trước khi lên sân bay. Ngồi cà phê với bạn một lúc xong thì làm cuốc xích lô trước khi tạm biệt Huế. Kéo vali đi lê la vài phố, mấy anh xích lô ở cổng mấy khách sạn nhao ra chào, tôi giả điếc, vì leo lên biết chắc có màn đi "mác xa Vỹ Dạ".

Đi bộ được hai mươi phút thì mỏi chân, đang lơ ngơ tìm thì có một anh xích lô lao ra:

- Đi không anh?

Tôi nhìn lại, thấy một anh da đen nhẻm, gầy gò, mặc cái áo cổ tim màu cháo lòng, trước ngực có hai chữ cái biểu tượng LV to đùng lồng vào nhau, bên dưới còn phụ họa thêm chữ "Louis Vuitton" uốn éo.

- Bao tiền?

- Anh cứ đi thoải mái, khi mô chán thì thôi, cho em ba chục ngàng (ngàn).

Thấy anh LV thật thà chất phác, tôi ừ rồi leo lên xe.

- Anh thích đi mô?

- Cứ đạp vòng vòng thôi.

Anh LV rảo cẳng đạp. Được một lúc, anh bắt chuyện:

- Anh ở mô về Huế chơi rứa?

- Ở Sài Gòn ra thăm quê, chừ vô. Anh đạp xích lô lâu chưa?

- Em đạp từ năm hai mươi tuổi, chừ ba ba tuổi, rứa là mười ba năm rồi đó anh. Khi mô anh đưa chị ra Huế chơi, muống (muốn) đi mô em đưa đi. Mà chừ em mới báng (bán) cái điện thoại rồi, anh cứ đến chỗ Tương Định (Trương Định) là thấy em hay đứng đó.

- Sao mà bán điện thoại đi?

- Mấy hôm trước mưa lũ có khách mô anh. Mấy đứa con hắng đói, nên em báng được hai tăm (trăm). Hôm trước mua của thằng bạng (bạn) hai tăm (trăm), chừ báng được hai tăm, may không bị lỗ vốn. Chớ anh nói nhìn con hắng đói cũng tội, thôi báng mua gạo với cho bọng hắng mấy ngàng ăn sáng. Còn điện thoại thì khi mô có tiền mua lại.

- Điện thoại gì mà hai trăm?

- Thì điện thoại nói được nghe được đó anh. Chớ mần chi có tiền mà mua điện thoại xang tọng (sang trọng) tiệu (triệu) này tiệu kia như họ được.

- Anh có mấy đứa rồi?

- Dạ ba đứa rồi anh. Đứa lớn bốn, đứa nhỏ hai, còn một đứa mới đẻ được một tháng.

- Sao đẻ nhiều mà dày thế?

- Thì đạp xích lô rồi túi (tối) về có biết mần chi mô anh. Rồi hắng lỡ ra. Với lại mấy anh người dà nước (nhà nước) đẻ nhiều họ trừ lương chớ bọn em thì sợ chi. Bọn em đẻ bọn em nuôi chớ dà nước có nuôi mô. Cùng lắm họ cho hai gói mì cua là hết.

- Anh đạp thế này mỗi ngày kiếm được trăm không?

- Mần chi có anh, bựa ni khó lắm. Hôm mô được sáu, bảy chục là mừng lắm rồi.

- Rứa có làm thêm nghề chi kiếm sống không?

- Có nghề chi mô anh, cả nhà em đạp xích lô. Ông già em đạp bốn mươi năm, xong mấy anh em tong (trong) nhà cũng đạp hết.

- Nhà anh đông anh em không?

- Mười ba đứa, mà chết hai đứa hồi nhỏ, rồi lớn lên mới chết hai đứa nữa.

- Còn lại đạp xích lô hết?

- Dạ mô anh, chỉ con tai (trai) thôi, con gái thì bán rau cá ngoài chợ Đông Ba. Chừ còn năm trai bốn gái mà ai cũng nghèo hết. Không có ai giàu để mà xin vài chục hết. Mà em cũng không xin, kiếm được đồng mô ăn đồng nấy, không thì vay rồi góp.

- Vay ai?

- Thì vay mấy mụ dưới chỗ gần chợ Đông Ba. Vay một tiệu tả tiệu hai (một triệu trả triệu hai). Mỗi ngày tả ba chục. Mà mấy hôm ni em nói thôi cho tả hai chục chớ mưa gió có khách mô. Miềng mà chưa tả là mấy mụ nớ la lắm, toàn tránh không đi ngang qua đường mấy mụ hay ngồi.

- Anh đạp mười mấy năm mà không đủ sống à? Vợ không làm chi thêm à?

- Thì hắng cũng bán rau bán cá ngoài chợ, mà toàn bị công an đuổi. Kiếm được chục ngàng một buổi. Mà từ hôm hắng đẻ đến chừ thì ở trong viện.

- Sao đẻ một tháng rồi mà vẫn ở trong viện?

- Thì lần ni con hắng nhỏ quá, phải nuôi trong lồng kính. Dà nước có cho một ít, còn phải tự lo hết. Rứa nên em phải đi vay nóng mấy mụ nớ rồi góp. Thôi con mình thì mình vay mấy cũng phải vay thôi. Mình cực khổ cho con hắng sướng một tí cũng được.

- Thế con anh sắp ra viện chưa?

- Chưa mô anh nờ. Hắng nhỏ như con chuộc (chuột), họ nuôi trong lồng em cũng chưa thấy luôn. Có vợ em hắng ở ngoài chạy ra chạy vô. Còn em đạp cả ngày, đến hai giờ sáng em đạp xe về Phú Hậu cất xe xong rồi lấy xe đạp đạp lên ở với mẹ con hắng.

- Phú Hậu là ở đâu?

- Ở chợ Đông Ba đi xuống thêm năm cây nữa đó anh. Em phải đạp xích lô về cất dưới nớ cho an toàn rồi đạp xe đạp lên, chớ gửi xe trong viện mất năm ngàng nữa. Về nhà còn bới cơm cả ngày cho hắng. Hai vợ chồng tải (trải) chiếu nằm ngoài hành lang bệnh viện, xong sáu giờ sáng em dậy đạp xe về rồi lấy xích lô đạp lên.

- Anh đạp cả ngày vậy mà ngủ có mấy tiếng thôi à?

- Thì miếng cơm manh áo mà anh. Chừ còn phải nuôi bọng hắng. Mình không làm thì ai làm. Rồi phải góp nữa chớ không mấy mụ nớ la lắm.

- Làm vậy có mệt không?

- Mệt chớ anh. Hôm mô được bảy chục thì em mới vô quán cơm ăn một đĩa mười ngàng, chớ được sáu chục trở xuống là không dám ăn. Tưa (trưa) ăn cơm bới, túi đạp xe về nhà ăn cơm nguội. Ăn cho no mà đạp chớ có biết ngon mô. Có hôm đói quá đạp về lòi kèng (lòi kèn) luôn. Hộc đờm nữa chớ không mệt được răng anh.

- Sao mà sáu chục ngàn trở xuống thì không dám ăn?

- Thì ba chục phải góp cho mấy mụ nớ, còn ba chục đưa cho mẹ bọng hắng lo cho con, rồi phải góp vô nuôi m (mẹ) nữa.

- Mệ nào nữa?

- Thì ba em chết rồi, còn mệ. Chừ cũng mù rồi, nằm một chỗ. Mấy đứa bọng em mỗi đứa góp vô một chục một ngày nuôi mệ.

- Có ngày nào không kiếm được đồng nào không?

- Nhiều chớ anh. Chớ mấy hôm mưa lụt vừa rồi có ai đi mô. Sáng đạp xe lên mà vừa đạp vừa run. Đạp xích lô ở Huế ni, đạp được hai mùa còn hai mùa ngồi chơi không. Chớ mưa gió rét buốt ai mà đi xích lô cho cực.

- Mùa mưa rét anh không làm nghề gì khác à?

- Biết nghề chi mà làm, anh. Em học hết lớp bảy, biết chữ là may rồi, chừ đạp xích lô chớ có biết làm chi mô.

- Thì ví dụ như chở hàng hóa cho chợ Đông Ba chẳng hạn.

- Vô đội xe của họ mình phải nộp hai tiệu (triệu), mình tiền mô mà nộp anh.

- Cái xích lô này của anh à?

- Dạ, em mua hắng hơn mười năm rồi. Hồi nớ mua tám tăm (trăm). Chừ đi mười năm báng lại chắc được hơn tiệu.

- Sao lại bán?

- Thì em tính vô mùa mưa rét ở Huế ni khó lắm. Mà bệnh viện họ kêu thêm thuốc cho con thì chắc báng mà lo cho hắng thôi.

- Thế bán thì anh lấy chi kiếm sống.

- Dạ thì em thuê. Thuê một ngày tả (trả) ba chục, cộng ba chục góp cho mấy mụ nớ nữa là sáu chục. Rồi tiền cho mẹ con hắng ăn nữa. Em cũng chưa biết tính ra răng. Mà thôi kệ, họ sống được thì mình sống được chớ.

- Anh năm nay bao tuổi rồi?

- Dạ em nhớ có nói với anh rồi mà. Năm ni em ba ba rồi. Ba ba tuổi mà chưa ra khỏi Huế, no cũng Huế mà đói cũng Huế. Chưa đi mô qua khỏi cái đèo luôn.

- Thôi đến giờ rồi, anh chở qua chỗ xe buýt lên sân bay đi.

- Dạ, em mãi nói chuyện quá quên mất.

Anh xích lô dừng chuyện, không nói năng gì nữa đạp xe quay trở lại chỗ xa lộ Hà Nội. Tôi trả tiền rồi đưa thêm ít tiền rồi nói gửi mua sữa cho con nhỏ trong viện. Anh xích lô mắt sững lại vài giây rồi cảm ơn rối rít.

- Lâu mới gặp khách sộp cho tiền như anh. Lần mô anh ra Huế đưa chị đi chơi nữa thì nhớ đến tìm em hí, em hay đứng nơi chỗ đường Tương Định… 


Câu chuyện khiến liên tưởng đến chiếc nón lá. Người giàu ngày càng giàu, ấy là chuyện toàn cầu, số ít nhưng tót vời, ngự ở phần chóp nón. Người nghèo bao giờ cũng số đông, những lớp nan dưới cùng của chiếc nón, nó đỡ cho chiếc nón mà nó cũng là nơi tưa tải trước hết hoặc duy nhất tưa tải.

le-hong-lam

Ở ta, người giàu chưa là gì nhưng người nghèo thì đông khôn xiết. Những lời thở than của anh chàng xích lô không cá biệt phận người, nó cho thấy rõ hơn cái nghèo, nỗi nghèo, như đang nhìn từ từ xuống đáy vực.

Tác giả cho thấy một tay nghề. Mẫn cảm của báo chí, tiếng thở dài kín đáo của một nhà văn và ngôn ngữ thoại nguyên sơ của nhân vật khiến cho truyện ngắn gọn ghẽ này vừa thực vừa duyên vừa cực kỳ thú vị.

Lê Hồng Lâm là một nhà báo, một cây bút phê bình điện ảnh sắc sảo hiện nay.

Dạ Ngân

(*) Những từ in đậm trong truyện, tác giả giữ nguyên phương ngữ hoặc kiểu nói ngọng của một số người Huế.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo