Theo danh sách công bố, có 30 bộ phim truyện điện ảnh của Việt Nam, đều do tư nhân sản xuất trong những năm qua, trong đó có những phim đạt doanh thu cao khi chiếu rạp: "Anh thầy ngôi sao", "798Mười", "Cua lại vợ bầu", "Chị Mười Ba", "Chú ơi, đừng lấy mẹ con", "Giã từ cô đơn", "Giấc mơ Mỹ", "Hai Phượng", "Hạnh phúc của mẹ", "Hợp đồng bán mình", "Hồn Papa da con gái", "Khi con là nhà", "Lật mặt: Nhà có khách", "11 niềm hy vọng", "100 ngày bên em", "Nơi ta không thuộc về", "Người bất tử", "Song lang", "Tìm chồng cho mẹ", "Thạch Thảo", "Tháng năm rực rỡ", "Tháng năm để dành", "Thật tuyệt vời khi ở bên em", "Thưa mẹ con đi", "Trạng Quỳnh", "Truyền thuyết về Quán Tiên",…
Cảnh trong phim “Song lang”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Cục Điện ảnh cho biết mỗi bộ phim trên được trình chiếu một lần trong tuần phim này. Mỗi khán giả được tặng tối đa 2 giấy mời, nhận tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - số 87 Láng Hạ, quận Ba Đình, TP Hà Nội và DCINE Bến Thành - số 6 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.
Lần liên hoan nào cũng vậy, khán giả TP HCM và Hà Nội lại được xem phim miễn phí. Việc này thực sự có ý nghĩa vì còn nhiều người không có điều kiện mua vé đến rạp xem phim ở 2 đô thị lớn này lại được dịp xem miễn phí những bộ phim Việt mà mình muốn xem nhưng nếu chương trình chiếu phim "chiêu đãi" này được nhân rộng trong cả nước, thông qua hệ thống rạp chiếu đang có tại các địa phương khác và các đội chiếu phim lưu động, có lẽ ý nghĩa này càng tăng lên.
Nguồn phim Việt của tư nhân sản xuất hiện rất phong phú, mỗi năm ước có 40 phim ra rạp. Số phim này có thể cung ứng cho hoạt động chiếu phim lưu động bằng ngân sách mua phim của nhà nước. Nếu nguồn phim này được cung cấp đến tận các đội chiếu thì yêu cầu của Chính phủ đối với các địa phương phải thực hiện tốt hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn bằng các tác phẩm điện ảnh, sẽ dễ dàng thực hiện được.
Công ty CJ CGV Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc) còn thể hiện "trách nhiệm xã hội" của mình bằng cách tổ chức được chương trình "Điện ảnh cho mọi người", khởi xướng từ năm 2011, với mục đích mang điện ảnh chất lượng cao đến ngày càng nhiều với khán giả Việt Nam chưa có điều kiện đến rạp hoặc ở những vùng miền không có rạp phim. Tính đến nay, chương trình này đã giới thiệu nhiều tác phẩm điện ảnh khác nhau đến với gần 18.000 khán giả nhiều tỉnh, thành. Tư nhân làm được, tại sao nhà nước không làm được? Liên hoan Phim Việt Nam sẽ vẫn chưa trọn phần ý nghĩa khi những tác phẩm điện ảnh của các nghệ sĩ làm ra chưa đến được với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo như bao lâu nay.
Bình luận (0)