Mỗi câu chuyện là một lát cắt của cuộc sống thường nhật. Mỗi lát cắt ấy thể hiện mỗi nét chiêm nghiệm riêng của tác giả từ những điều tưởng như đơn giản nhất.
Bìa sách "Yêu thương là tự do"
Dường như ai cũng có thể thấy mình trong những dòng kể ấy, từ người phụ nữ mới lập gia đình đến những người mẹ đang đau đầu vì chuyện dạy con; từ cô gái mới chập chững vào đời đến những người phụ nữ cùng cực đau khổ đến mức tìm về cái chết; từ chàng trai thuở mới hẹn hò đến lúc nhìn phụ nữ mình yêu thương đổi thay đến chóng mặt sau khi kết hôn.
Câu chuyện đời thường nhưng cách kể không thực dụng. Trần Lê Sơn Ý chia sẻ như thế khi kể về cách mà người làm cha, làm mẹ áp đặt những kỳ vọng của bản thân lên những đứa con: "Người làm vườn cũng vậy, ông ấy không thể bắt một cái cây nở hoa, mà chỉ có thể chăm sóc, tạo điều kiện cho cây đủ đất, nắng, không khí, phân bón... Còn nở hoa khi nào là việc của cây" ("Nở hoa khi nào là việc của cây", trang 207).
Sơn Ý không dạy ai phải làm gì cả, người ta có cảm giác rằng cô đang chia sẻ những điều mình đã trải qua, hiểu nó để mong tìm được sự đồng cảm ở người đọc.
10 năm trước, giới trẻ rất yêu thích những bài thơ tình trong trẻo của Trần Lê Sơn Ý. Dù đã chuyển sang hình thức giao tiếp văn chương mới nhưng chất thơ vẫn còn thoang thoảng trong từng dòng văn xuôi của tác giả: sâu lắng và giàu nhịp điệu. Điều cũ vẫn còn nhưng cái mới của Trần Lê Sơn Ý vẫn có đất để đâm chồi nảy lộc.
Bình luận (0)