Bản quyền tác phẩm luôn là vấn đề căng thẳng, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các nghệ sĩ khai thác YouTube để kiếm tiền bên cạnh sàn diễn. Nhưng vấn đề khiến giới nghệ sĩ đang bức xúc là những rắc rối xảy ra cho họ khi khai thác âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương được xem đã thành sở hữu của nhân loại.
Đăng ký trước thì được quyền sở hữu?
Tuần qua, soạn giả Đăng Minh đã phản ảnh bức xúc khi kênh YouTube cấm sử dụng một số bài bản nhạc tài tử: "Đoản khúc lam giang", "Phi Vân điệu khúc", "Vọng kim lang", "Lý con sáo", "Lý chim xanh"... và một số bài bản cổ nhạc khác với lý do vi phạm bản quyền. "Một số bài bản do các nghệ nhân xưa để lại, một số có tên tác giả sáng tác như: NSND Văn Giỏi, nhạc sĩ Cao Văn Lý, soạn giả Viễn Châu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu… đã phổ biến đại chúng và trở thành di sản dân gian. Cớ sao một số nghệ sĩ, tác giả trẻ viết lời trên giai điệu đó thì được kênh YouTube chấp nhận tác quyền cả phần nhạc?" - soạn giả Đăng Minh nói.
Theo ông, lẽ ra những người sáng tác lời mới dựa trên khuôn nhạc chỉ nên được công nhận bản quyền phần lời, còn nhạc là tài sản chung. Những người không sáng tác ra bản nhạc lại ngang nhiên sở hữu là trái pháp luật.
Từ trái sang: Các nghệ sĩ Phương Dung, Kim Tiểu Long, Mỹ Chi trong chương trình sân khấu “Táo quân ngày Tết” có sử dụng bài bản cải lương bị YouTube chặn khi lên kênh vì vấn đề bản quyền Ảnh: ĐĂNG MINH
Cụ thể, bài ca "Khúc tâm tình khán giả" viết theo giai điệu "Lý con sáo" ghi tên tác giả Yến Quỳnh thì được YouTube chấp nhận bản quyền, trong khi bài "Lý con sáo" cũng được sử dụng trong tiểu phẩm "Táo đồng hương" của Hãng phim Chợ Lớn sản xuất, thu âm và quay hình ngày 14-1-2020 lại bị YouTube thông báo vi phạm bản quyền của tác giả Yến Quỳnh. Điều này gây nên bức xúc.
Danh hài Bảo Chung tham gia tiểu phẩm "Táo đồng hương" cho biết: "Khi Hãng phim Chợ Lớn phản ánh vụ việc, dù được Cục Bản quyền tác giả công nhận hãng này không vi phạm bản quyền bài "Lý con sáo" nhưng vẫn bị YouTube chặn phần nhạc. Trong rất nhiều tiểu phẩm, MV khác cũng bị chặn tương tự với lý do có người đăng ký bản quyền trước đó".
NSND Văn Giỏi cũng bức xúc cho biết nhiều nghệ sĩ sáng tác dựa theo tác phẩm của ông nhưng khi đưa lên mạng đều bị ai đó yêu cầu gỡ bỏ vì nội dung vi phạm bản quyền. Họ còn đối mặt với việc bị gắn cờ vi phạm bản quyền vào tài khoản YouTube của mình, bị gỡ bỏ video hoặc cho khóa phần âm thanh. "Chính vì vậy, để tránh những rắc rối và bị "xử" oan, các cơ quan hữu trách nên can thiệp để YouTube xem xét xử lý bản quyền nhạc tài tử, cải lương của Việt Nam" - NSND Văn Giỏi kiến nghị.
Không nên xử lý máy móc
Theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ tại TP HCM, internet ngoài lợi thế giúp các sản phẩm âm nhạc, nghệ thuật phát triển còn kéo theo nhiều hệ lụy. Việc các sản phẩm âm nhạc được đăng tải tràn lan trên internet đồng nghĩa phát sinh các vấn đề về bản quyền tác giả, lâu nay đã không còn được kiểm soát chặt chẽ. Do hiện tượng "đạo nhạc", "ăn cắp tác phẩm" trên internet trong thời gian dài cùng với việc sử dụng bài bản cải lương, giai điệu âm hưởng dân ca dễ dàng và làm tổn thương người làm nghệ thuật chân chính nên buộc các nền tảng số phải áp dụng những chính sách siết chặt vấn đề bản quyền của mình. Tuy nhiên, để xác định một sản phẩm có vi phạm bản quyền hay không, nhà mạng không chỉ căn cứ từ báo cáo của một phía.
Theo ca sĩ Yến Quỳnh, bài hát của cô đã được đăng ký chứng nhận bản quyền nên mới được phát hành.
Luật sư Nguyễn Văn Mót, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng: "Các bài bản nhạc tài tử, nghệ thuật cải lương là tài sản chung, không ai có quyền sở hữu riêng. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải làm ngay việc hệ thống lại, cung cấp cho YouTube để họ nắm rõ".
Theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, để giải quyết việc này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần hệ thống một cách chính xác bằng văn bản các bài bản đờn ca tài tử, cải lương gửi đến YouTube để xác định phần âm nhạc được sáng tác dựa theo đúng khuôn mẫu của những bài bản đờn ca tài tử, cải lương không thuộc sở hữu bản quyền của cá nhân nào.
Việc Cục Bản quyền tác giả có cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cho cá nhân về những bản nhạc tài tử, cải lương đã thành tài sản chung như trường hợp ca sĩ Yến Quỳnh nói hay không, chúng tôi sẽ làm rõ trong số báo tới.
Phải khai thác đúng luật
Ông Nguyễn Mạnh Quý cho biết Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa có thông báo về việc khai thác, phân phối quyền tác giả trên YouTube, Facebook. Đây được xem là một bước tiến nhằm tháo gỡ những bất cập trong việc quản lý bản quyền âm nhạc ở thời kỳ công nghệ số. "Về âm nhạc trong kho tàng đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương, rất cần kiến nghị kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền của ngành sân khấu, để sớm đàm phán với YouTube, Facebook trong việc khai thác đúng luật" - ông Quý nói.
Bình luận (0)