Nghiên cứu đột phá này được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment.
Đó là một dải đất kéo dài từ đồi Giza - khu vực tọa lạc một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại là cụm 3 kim tự tháp lớn bao gồm Đại kim tự tháp Khufu - cho đến làng Lisht, nơi có cụm kim tự tháp Lisht mà nổi tiếng nhất là kim tự tháp Amenemhat I và kim tự tháp Senusret I.
Theo Heritage Daily, nhóm tác giả từ một số trường đại học ở Mỹ, Úc, Ai Cập và Viện Nghiên cứu Thiên văn và Địa vật lý Quốc gia (NRIAG) Ai Cập đã tìm câu trả lời thông qua một loạt hình ảnh vệ tinh, dữ liệu địa vật lý và lõi đất sâu chứa trầm tích trong khu vực.
Kết quả cho thấy vào thời điểm 4.500 năm trước, cảnh quan quanh đồi Giza nổi tiếng và cả dải sa mạc đầy kim tự tháp trải dài về phía Nam hoàn toàn khác biệt.
Đó là một thế giới xanh tươi hơn rất nhiều, với nhánh Ahramat của sông Nile uốn lượn dưới chân các cụm kim tự tháp.
Thế nhưng, nhánh Ahramat ngày nay đã biến mất cùng với nhiều nhánh phụ khác của sông Nile.
Qua hàng ngàn năm lịch sử, dòng chính của sông Nile bị dịch chuyển sang phía Đông, khiến các nhánh phụ này bị bồi tụ phù sa, tuyệt tích giữa sa mạc.
"Nhánh Ahramat đóng một vai trò trong việc xây dựng các di tích, đồng thời được sử dụng làm tuyến đường thủy vận chuyển nhân công và vật liệu đến các địa điểm xây dựng kim tự tháp" - các tác giả viết trong bài công bố.
Sự di cư của dòng sông Nile có thể là do sự nghiêng đi của vùng đồng bằng ngập lũ sông Nile về phía Đông Bắc do hoạt động kiến tạo, trong khi việc biến mất của nhánh sông cạnh chuỗi kim tự tháp được góp phần bởi các cơn gió đầy cát từ cao nguyên sa mạc ở phía Tây.
Mặc dù vậy, sự tồn tại của nhánh sông bí ẩn này trong một thời gian dài đã giúp một loạt kim tự tháp thời Cổ Vương quốc (khoảng năm 2686 - 2181 trước Công nguyên) và Trung Vương quốc (khoảng năm 2055 - 1650 hoặc 2050 - 1700 trước Công nguyên) được xây dựng nên.
Bình luận (0)