Những người thân quen với Hồ Tấn Vũ sẽ thốt lên nhận định như vậy khi đọc cuốn sách "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng" (Nhà Xuất bản Đà Nẵng, tháng 4-2025)
Bởi rành rành trong đó là những sự kiện, nhân vật gắn bó với nhà báo Hồ Tấn Vũ - hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Trung Trung Bộ của Báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng.
Đó là một cậu bé Tấn - nhân vật chính, sinh ra và lớn lên ở làng Hạ với tuổi thơ chăn trâu trên cánh đồng Chuông bên dòng sông Thu, dưới chân núi Chúa vùng trung du xứ Quảng. Đó là những tháng ngày lăn lộn dưới hầm vàng đầy hiểm nguy, trắc trở khó lường từ thiên nhiên và cả lòng người.
Trong đó có bóng dáng những sự kiện liên quan đến Vũ và đời sống báo chí sôi nổi một thời, như người đàn ông nói dối gia đình và truyền thông rằng mình lênh đênh trên biển hàng tháng trời sau cơn bão; là giàn khoan nước ngoài hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam…

Trang đời của tác giả như được trải ra trong hơn 400 trang sách, đầy ắp những tư liệu sống động, dễ làm người đọc mường tượng về một cuốn tự truyện, mà tác giả chỉ mượn nhân vật Tấn để tránh diễn tả ở ngôi thứ nhất mà thôi.
Nhưng, nói như vậy thì rõ ràng không công bằng và khách quan với Vũ cũng như cuốn sách mà anh định danh thể loại trên trang bìa là "tiểu thuyết".
Bởi đó là sự chắt lọc từ những trải nghiệm và suy tưởng của Vũ để khái quát nên các nhân vật, sự kiện thành những hình tượng đầy phép ẩn dụ, đẫm chất triết lý mà không kém phần lãng mạn của văn chương. Tác phẩm văn học nào không nảy mầm trên nền hiện thực cuộc sống mà người sáng tạo ra nó đã từng trải qua và chiêm nghiệm?
Ở đó, ngay cả tên tác phẩm cũng mang tính biểu tượng văn học. Tác giả "đẩy" những nhân vật vào không gian và trạng thái biệt lập của "vùng sương phủ", "hầm sâu", "đảo vắng", để nhận thức, chiêm nghiệm về thân phận, lẽ sống... giữa cô đơn trùng vây.
Để từ đó, Hồ Tấn Vũ làm bật lên nỗi dằn vặt của con người về sự hiện diện trên cõi đời, những hỗn độn trong mỗi thân phận và đời sống xã hội; sự trăn trở, day dứt muôn đời rằng con người sống với những "góc cạnh" riêng biệt của bản ngã hay "vo tròn" trong sự phán xét của thế giới chung quanh.
Phải chăng, chúng ta bị cuộn chặt trong những dấu hỏi; có khi đến cuối đời, hoặc từ đời này sang đời khác, từ nơi nọ đến chốn kia, kiếm tìm mãi mà cũng không thể nào giải đáp được? Con người bám riết lấy khái niệm rồi tự mình sinh ra cố chấp, bám vào đó tranh luận cái đúng sai, phải trái.
Đạo đức cũng là một thứ như vậy. Nó cũng khốn nạn như xiềng xích, một thứ gông cùm bản năng của con người, rào lại và kiểm soát. "Nếu không có thứ kiểm soát dở hơi đó, không có tiếng xì xào từ đầu làng đến cuối ngõ, không có sự giam cầm của cái thứ gọi là đạo đức thì anh Hiệp của Tấn không phải lặng lẽ rời quê…". Nhân vật Tấn của Vũ đã thốt lên như vậy.
Trong vùng biệt lập với những giằng xé đó, ở mỗi người luôn chất chứa khát vọng vươn tới xứ sở của ước mơ; để từ đó hoặc đắm chìm trong mê muội, khổ đau, hoặc vỗ cánh bay ra vùng trời cao rộng rồi chới với khi nhận ra rằng đó cũng chỉ là "vùng sương phủ", không lối thoát… "Phải rồi, tất cả tại lớp sương che. Tại cái đỉnh núi xa mờ đầy huyền ảo đó. Nó là thủ phạm chứ không ai khác. Nó là tất cả những nguyên nhân của tai ương giáng xuống mảnh đất này. Tất cả tại lớp sương che. Đúng rồi, tại vì đỉnh núi mờ sương".
Xác quyết do "đỉnh núi mờ sương" đầy ẩn dụ đó, có lẽ cũng là cách thoái thác sứ mệnh phải "giải trình" trước những éo le, bất trắc, cô đơn, dằn vặt, buồn đau… của phận người trong cuốn tiểu thuyết này?
Sáng 17-5, tại Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), diễn ra sự kiện ra mắt tập thơ "Sống là gì lâu quá đã quên" của nhà báo Trần Tuấn và tiểu thuyết "Vùng sương phủ, hầm sâu và đảo vắng" của nhà báo Hồ Tấn Vũ, với sự tham dự của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo và đông đảo bạn bè, sinh viên yêu văn học. Tại đây, các tác giả Trần Tuấn và Hồ Tấn Vũ đã trao đổi chung quanh những vấn đề về con đường sáng tác thơ văn song hành với hoạt động báo chí; những trăn trở của người cầm bút trước thân phận con người và cuộc sống.

Nhà báo - tác giả Hồ Tấn Vũ (phải) tại buổi giới thiệu sách sáng 17-5. (Ảnh: NGUYỄN THÀNH)
Bình luận (0)