Trong khuôn viên Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) có một bếp ăn thiện nguyện được đặt tên là "Nhà ăn Hạnh phúc". Hằng ngày, rất đông người đến đây dùng bữa và họ thực sự tìm thấy hạnh phúc vì được sẻ chia.
Như trở về nhà
"Nhà ăn Hạnh phúc" ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng là nhà ăn 0 đồng đầu tiên tại bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn thành phố, với mong muốn lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện, sẻ chia cùng bệnh nhân nghèo.
Ông L.V.H (55 tuổi, quê Bến Tre) mang tô bún riêu nóng hổi ra bàn, vừa ăn vừa trò chuyện với chúng tôi về "ngôi nhà" đặc biệt này. "Với tôi và nhiều người cùng cảnh ngộ, mỗi bữa ăn ở đây là một niềm an ủi lớn lao. Buổi sáng đi làm, trưa cùng nhau về đây ăn uống, chúng tôi như trở về nhà" - ông bộc bạch.
Ông H. lên TP HCM mưu sinh từ nhiều năm nay. Trưa nào ông cũng đến "Nhà ăn Hạnh phúc" để dùng bữa. "Ban đầu, tôi chỉ nghĩ nhà ăn này dành cho bệnh nhân, về sau mới biết ai lỡ bữa đến đây cũng có phần. Các tình nguyện viên rất vui vẻ, chào đón mọi người. Cơm ngon, đầy đủ, không phân biệt ai, giúp tôi cảm thấy rất ấm lòng" - ông bày tỏ.
Cũng dùng bữa trong "Nhà ăn Hạnh phúc", bà Đ.T.L (50 tuổi, quê Đồng Nai) bắt chuyện: "Bác sĩ giám đốc bệnh viện có rất nhiều hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Hôm qua mới có phiên chợ 0 đồng, nhiều đồ dùng như quần áo, gạo, gia vị, giày dép… được bán miễn phí".
Bà L. cho biết vợ chồng bà đến TP Thủ Đức từ năm 2018. "Cách đây 3 năm, chồng tôi bị suy thận phải lọc máu, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Biết chồng tôi không có BHYT, giám đốc bệnh viện chỉ đạo nhân viên cấp cho cái thẻ. Nếu không có ông, vợ chồng tôi không biết phải xoay xở thế nào. Chúng tôi biết ơn ông rất nhiều" - bà cảm kích.
Vị bác sĩ được nhiều người nhắc đến là BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhắc đến bác sĩ Khanh như nói về một vị ân nhân, một người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái.
Không chỉ chú trọng chuyên môn, bác sĩ Khanh còn đặt ra tiêu chí nhân văn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân bằng các hoạt động thiện nguyện như cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ bệnh nhân nghèo điều trị… Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tổ chức các hoạt động thăm hỏi, khám bệnh, mổ mắt miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa. Ông còn đến một số nơi tại Lào để chăm sóc sức khỏe cho người Việt sinh sống ở đây.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái
"Chắt chiu từng bệnh"
Tôi hẹn gặp bác sĩ Trần Văn Khanh vào một chiều muộn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh sau khi ông họp triển khai kế hoạch cho chuyến từ thiện vào tháng 3-2025. Với ông, mỗi ngày làm việc không chỉ là thực hiện sứ mệnh của người thầy thuốc mà còn là cơ hội để giúp đỡ, sẻ chia.
Nói về việc lập "Nhà ăn Hạnh phúc", bác sĩ Khanh cho hay năm 2011, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, ông nghe được thông tin nhóm thiện nguyện Nhất Tâm mở một số nhà ăn miễn phí cho bệnh nhân. Ông đã mời nhóm Nhất Tâm đến để mở nhà ăn thiện nguyện này.
Đến nay, "Nhà ăn Hạnh phúc" đã thành lập được gần 4 năm. Nhà ăn hoạt động từ trưa thứ hai đến thứ sáu với tiêu chí bảo đảm bữa ăn ngon, sạch, thanh đạm, đầy đủ và chất lượng hơn theo từng ngày. "Mang hạnh phúc cho bệnh nhân, người nghèo cũng là cách giúp mình tìm được hạnh phúc vậy" - bác sĩ Khanh bộc bạch.
Nhắc lại thời điểm khi mới về Bệnh viện Lê Văn Thịnh (khi đó là Bệnh viện quận 2), bác sĩ Khanh không khỏi bồi hồi. Lúc ấy, hệ thống y tế tuyến cơ sở tại TP HCM vẫn còn yếu, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực chưa đủ. Đa số bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải. Trong khi đó, trước năm 2012, Bệnh viện quận 2 gần như chỉ đảm nhận những dịch vụ đơn giản như khám sức khỏe lái xe hay khám tuyển dụng. Bệnh nhân đến chủ yếu làm thủ tục giấy tờ chứ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng điều trị.
Bác sĩ Khanh xác định nếu muốn bệnh viện phát triển, trước hết phải nâng cao năng lực cấp cứu và khám chữa bệnh. Vì vậy, khi có các chủ trương và chương trình chuyển giao kỹ thuật y tế, đặc biệt là Chương trình 1816 và mô hình phòng khám vệ tinh của Sở Y tế TP HCM, bác sĩ Khanh đã cùng đội ngũ nhân viên từng bước xây dựng nền tảng y tế chất lượng ngay tại bệnh viện.
"Thời điểm đó, đường sá đi lại còn khó khăn, bệnh viện lại nằm khá xa trung tâm thành phố. Do đó, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và chẩn đoán chính xác ngay từ đầu với phương châm "chắt chiu từng bệnh một" - tức là chăm sóc kỹ lưỡng từng trường hợp, từ khâu chẩn đoán đến điều trị. Nhờ vậy, bệnh viện giảm được tỉ lệ chuyển viện, tạo được niềm tin nơi người dân. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh quay lại, mang theo cả gia đình đến khám chữa bệnh. Bây giờ, Bệnh viện Lê Văn Thịnh được nhiều người biết đến là nhờ có sự thay đổi tích cực này" - bác sĩ Khanh nhìn nhận.


Bác sĩ Trần Văn Khanh trong một lần trao kinh phí chăm lo trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Ông và bệnh viện của mình luôn hết lòng cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân nghèo
Điểm sáng ngành y
Trong bối cảnh hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, mô hình "phòng khám bác sĩ gia đình" tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang nổi lên như một điểm sáng của ngành y. Không chỉ đơn thuần khám và điều trị, phòng khám này còn tư vấn sức khỏe cho cả những người chưa mắc bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho gia đình từ trẻ em đến người già.
"Mô hình này giúp người dân được theo dõi sức khỏe thường xuyên, không bị gián đoạn. Ai bệnh nặng hơn thì chuyển lên tuyến trên với hồ sơ bệnh án điện tử đầy đủ; còn nhẹ hơn thì chuyển về trạm y tế và được hỗ trợ điều trị" - bác sĩ Trần Văn Khanh giải thích.
Theo Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, yếu tố quan trọng nhất chính là đội ngũ y - bác sĩ có chuyên môn cao và sự hỗ trợ từ Trường Đại học Y Dược TP HCM. "Chúng tôi không chỉ khám và điều trị mà còn đào tạo thực hành cho các bác sĩ trẻ, xây dựng một đội ngũ kế thừa chất lượng. Nhờ đó, từ một bàn khám ban đầu, đến nay chúng tôi đã phát triển lên 5-6 bàn khám, có thời điểm quá tải với số lượng bệnh nhân rất lớn" - bác sĩ Khanh nhớ lại.
Đề cập những thành tựu của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ Khanh khiêm tốn: "Chúng tôi đã phát triển mạnh mẽ từ một bệnh viện nhỏ, thiếu thốn, đến nay trở thành một bệnh viện hạng I. Tuy nhiên, những khó khăn lúc ban đầu luôn là bài học quý giá, là động lực để tôi và đồng nghiệp cố gắng không ngừng. Với tôi, mỗi ngày được làm công việc này là một ngày được phục vụ và chia sẻ yêu thương".
Chính sự kiên trì, sáng tạo và tình yêu nghề của bác sĩ Trần Văn Khanh đã giúp Bệnh viện Lê Văn Thịnh không chỉ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà còn trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều bệnh nhân nghèo.
Bệnh viện không chỉ là nơi điều trị mà còn là nơi để chúng ta thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi bữa ăn miễn phí, mỗi hoạt động từ thiện là một phần nhỏ mà chúng tôi có thể làm để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn" - bác sĩ Trần Văn Khanh trải lòng.
Vững vàng "chèo lái"
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (trước đây là Bệnh viện Quận 2) được thành lập năm 2008 với 60 giường bệnh. Nhờ sự quan tâm của ngành y tế và sự "chèo lái" của bác sĩ Trần Văn Khanh cùng tập thể y - bác sĩ, bệnh viện đã có bước phát triển mạnh mẽ và được công nhận là bệnh viện hạng I.
Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhiều kỹ thuật y khoa phức tạp đã được triển khai, không chỉ giúp giảm chi phí cho người bệnh mà còn giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.500 bệnh nhân ngoại trú, hơn 350 bệnh nhân điều trị nội trú; tỉ lệ chuyển viện đã giảm xuống dưới 2%.
Với những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp y tế, bác sĩ Trần Văn Khanh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2017 và phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2021, ông tiếp tục nhận Huân chương Lao động hạng Ba trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bình luận (0)