Tại Tọa đàm "Triển khai AI trong thực tế" trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 diễn ra chiều 4-12 tại Hà Nội, GS Yann LeCun, ĐH New York, đồng thời là Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho AI, cho rằng AI vẫn chưa đạt được trí thông minh của một con mèo".
Gần với trí tuệ con người trong tương lai có thể là 10 năm, Meta chế tạo sản phẩm tương tự, giống như có trợ lí hỗ trợ ta làm việc, có trí tuệ tương đương, nên tận dụng cho các cơ hội và chúng ta không nên sợ hãi.
Theo GS LeCun, trong vài năm tới AI sẽ rất khác biệt và tốt hơn rất nhiều lần, tuy nhiên việc AI có thể đạt được trí tuệ tầm con người vẫn là một tương lai xa bởi hiện tại, AI chưa có khả năng suy xét, lý luận. Ông dẫn chứng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới chỉ có khả năng đoán từ chứ chưa thể đoán hình ảnh. Ví dụ khi đưa một đoạn video và yêu cầu AI dự đoán hình ảnh tiếp theo, AI đã đưa ra các dự đoán sai hoàn toàn do AI chưa có thế giới quan để hiểu cách vận hành của các sự vật, sự việc.
Để giải bài toán này, GS LeCun đưa ra ý tưởng về việc dạy cho AI về cách thế giới vận hành. Cụ thể, cũng với đoạn video nói trên, thay vì bắt AI đoán hình ảnh tiếp theo dựa theo hình ảnh ban đầu được cung cấp thì dạy cho AI quan sát chuỗi hành động để tạo ra những hình ảnh đó. Chuỗi hành động này luôn có tính logic, phản ánh cách suy xét, lập luận dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm liên quan. Giống như những đứa trẻ, nếu AI được dạy quan sát, nó cũng sẽ hình thành thế giới quan và đạt trí tuệ tầm con người.
Trước lo lắng AI sẽ thay thế con người, thậm chí viễn cảnh về một thế giới do AI thống trị, GS LeCun trấn an nên tận dụng cho các cơ hội và chúng ta không nên sợ hãi. Trong tương lai, có thể là 10 năm, Meta chế tạo sản phẩm giống như có trợ lí hỗ trợ ta làm việc, có trí tuệ tương đương. Theo ông, với kho tri thức hiện có của nhân loại, nếu một người dành 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để đọc thì họ mất hàng ngàn năm mới đọc hết. Nhưng nếu có AI, họ có một trợ lý tuyệt vời giúp họ sử dụng hiệu quả kho tri thức này.
GS Đỗ Ngọc Minh, ĐH Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Mỹ) và Trường Đại học VinUni (Việt Nam), cho rằng thực tế hiển nhiên không thể phủ nhận là AI ngày càng tham gia sâu vào lĩnh vực y tế và giáo dục, tạo ra các kết quả đột phá, mang lại lợi ích lớn cho con người. Nhờ có AI mà các phòng thí nghiệm y khoa có thể nghiên cứu tế bào ung thư trong một hệ thống mang tính công nghiệp.
TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI, Việt Nam, cho hay nhóm nghiên cứu của ông đang phát triển một ứng dụng có tên MiE, có chức năng "lưu trữ kí ức" người dùng. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại với tác dụng tìm kiếm bất kỳ hình ảnh, văn bản, email hay đường link nào mà chủ sở hữu từng tìm kiếm và diễn giải nó thành thông tin có ý nghĩa. Nhờ đó, chủ sở hữu chiếc điện thoại không mất thời gian lục tìm thủ công trong các ổ dữ liệu đã quá tải mà chỉ cần kích hoạt "kí ức nhân tạo".
Cũng tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi đến thời điểm nào thì AI có thể hành động thay con người, GS Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard (Mỹ), "cha đẻ" của lý thuyết học máy, cho rằng không nên vội vàng. Chỉ nên dùng AI như một ứng dụng trung gian giúp con người làm tốt hơn việc họ đang làm. AI làm tăng năng lực của chúng ta trong các lĩnh vực khác nhau và đó mới là mục đích quan trọng nhất.
Trước đó, sáng 4-11, tại tọa đàm "Vật liệu cho tương lai bền vững", GS Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Anh) - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, đã dẫn dắt các nhà khoa học thảo luận về sử dụng năng lượng và những vấn đề môi trường của pin; ảnh hưởng của các vật liệu năng lượng đến môi trường; các giải pháp bền vững cho pin mặt trời; nâng cao hiệu năng của pin mặt trời…
Hiện nay, phát triển vật liệu và năng lượng xanh là trọng tâm của chuyển đổi xanh toàn cầu, giúp giảm phát thải carbon và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và thủy điện đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng năng lượng. Đặc biệt, vật liệu tiên tiến như silicon và perovskite trong pin mặt trời cải thiện hiệu suất và giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Theo GS Marina Freitag (Đại học Newcastle, Anh), cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi con người phải mở rộng quy mô sản xuất năng lượng mặt trời, ứng với mục tiêu đến năm 2030 công suất điện mặt trời cần đạt là 3 TW - tương đương với 7,5 tỉ tấm pin mặt trời cần được lắp đặt trong thập kỷ này.
GS Marina Freitag chia sẻ cách kết hợp các vật liệu được lựa chọn kỹ lưỡng với silicon có thể tạo ra pin mặt trời không chỉ mang lại hiệu suất cao hơn mà còn bền vững hơn. Đó là Perovskite. Theo bà, Perovskite có thể được xử lý ở nhiệt độ thấp, sử dụng lượng vật liệu ít hơn trong khi có tính linh hoạt rất cao.
Trong tham luận "Hướng đi tương lai của silicon trong sự phát triển của công nghệ năng lượng mặt trời", GS Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Úc) đã cung cấp bức tranh tổng quan toàn diện về công nghệ năng lượng mặt trời silicon.
Theo ông, nghiên cứu về vật liệu mới đang mở ra những hướng đi đầy hứa hẹn cho pin mặt trời thế hệ mới. Những vật liệu này có tiềm năng vượt trội so với silicon truyền thống về nhiều mặt.
Bình luận (0)