Trong số này có 320 chuyến bay quốc nội chiều đi với xấp xỉ 65.000 lượt khách và 317 chuyến bay quốc nội đến nhưng chỉ có hơn 21.400 lượt khách. Như vậy, tại nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất, lượng hành khách đi gần gấp 3 lần lượng khách đến.
Trong khi lượng khách ở sân bay Tân Sơn Nhất kỷ lục, thời tiết xấu, sương mù ở khu vực các tỉnh phía Bắc, nhất là sân bay Nội Bài vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới việc khai thác, tình trạng chậm chuyến vẫn xảy ra.
Các hãng hàng không cho biết không chỉ sân bay căng thẳng mà phòng họp của các hãng cũng "nóng" không kém khi phải "căng mình" ứng phó, bảo đảm an toàn cho các chuyến bay, giảm tối đa tình trạng chậm chuyến.
Vietravel Airlines cho biết hiện các chuyến bay cao điểm của hãng từ TP HCM đi từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Đà Nẵng đã có tỉ lệ lấp đầy đạt 100% trong giai đoạn trước cao điểm Tết (tức từ 22 đến 30 tháng Chạp). Đối với chặng bay TP HCM – Hà Nội hãng tăng tần suất 3 chuyến bay đêm trong ngày cũng đạt tỉ lệ lấp đầy các chuyến trên 98%.
Bước vào cao điểm Tết 2024, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến trung bình mỗi ngày có khoảng 860 – 900 chuyến bay đi và đến, mật độ khai thác đạt mức cao nhất. Để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bảo đảm lịch trình di chuyển của hành khách, sân bay Tân Sơn Nhất và các hãng hàng không đã phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả khai thác tốt nhất.
Để hạn chế tình trạng chậm chuyến giai đoạn này, Vietravel Airlines cho biết hãng chủ động sắp xếp lịch bay phù hợp với cơ sở hạ tầng, tăng thời gian quay đầu giữa các chuyến bay. Bố trí nguồn lực đầy đủ phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất... Tích cực tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo hành khách chủ động chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, làm thủ tục trực tuyến, tuân theo quy định khai thác nhằm rút ngắn thời gian phục vụ làm thủ tục.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã triển khai với các đơn vị và lên kế hoạch ứng phó chống tắc nghẽn, chậm chuyến dịp Tết. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn.
Riêng năm nay, theo ghi nhận của phóng viên do tình trạng thời tiết xấu, sương mù dày đặc ở các tỉnh phía Bắc ngay trong cao điểm khai thác Tết, đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của hành khách, nhiều người phải chờ nhiều tiếng đồng hồ ở sân bay Tân Sơn Nhất mới được bay về quê so với lịch khởi hành ban đầu.
Ngoài ra, do hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải so với công suất thiết kế từ nhiều năm qua. Tần suất cất hạ cánh tại sân bay này cao nhất cả nước (xấp xỉ 260.000 lượt cất và hạ cánh mỗi năm), sản lượng hành khách thông qua sân bay đến cuối 2023 đạt 42 triệu lượt (gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế), cho thấy sự quá tải về hạ tầng cũng như năng lực khai thác.
Trước tình hình này, Cục Hàng không Việt Nam vừa có chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các cảng hàng không, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, Công ty Quản lý bay khu vực và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng để có kế hoạch, phương án khai thác phù hợp; thông báo kịp thời, sẵn sàng các phương án phục vụ hành khách trong trường hợp thay đổi kế hoạch khai thác.
"Hỗ trợ tối đa hành khách theo quy định của Pháp luật trong trường hợp chậm, huỷ, chuyển hướng bay. Các hãng hàng không quán triệt nội dung chỉ thị này tới các hãng hàng không nước ngoài cung cấp dịch vụ thuê ướt tàu bay (thuê có tổ bay) cho mình" - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nêu rõ.
Bình luận (0)