Đây là một trong những đề xuất được ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - đưa ra tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp bàn về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, ông Trương Gia Bình đề xuất phát động bình dân hóa trí tuệ nhân tạo (AI). Bởi lẽ, sự kiện Deepseck của Trung Quốc gây chấn động thế giới vừa qua đã chỉ ra khả năng gia nhập những ngành công nghệ lõi của những nước có điều kiện còn hạn chế như Việt Nam.
"Chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa AI", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng áp dụng được. Cơ hội đang đến, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục - đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục và chúng tôi là những người trực tiếp triển khai. Chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về AI" – ông Trương Gia Bình phát biểu.
![Vì sao ông Trương Gia Bình đề xuất "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo"?- Ảnh 1. Vì sao ông Trương Gia Bình đề xuất "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo"?- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/11/ong-binh--17392442394091335720596.jpg)
Ông Trương Gia Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Theo Chủ tịch FPT, chính sách phát triển đất nước hiện nay gắn với hai mục tiêu: trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt Net Zero vào năm 2050. Hai mục tiêu này tuy rất thách thức nhưng nếu thực hiện được sẽ giúp tạo lập một Việt Nam thịnh vượng hơn, bền vững hơn.
Để đạt được 2 mục tiêu này, ông Trương Gia Bình cho rằng cần gia tăng năng suất lao động và chuyển đổi nền kinh tế sang các lĩnh vực xanh, bền vững hơn. Khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực chính trong việc phát triển công nghệ lõi, giải bài toán năng suất lao động và thúc đẩy chuyển đổi xanh, bền vững quốc gia.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số và chuyển đối số quốc gia với tư duy phát triển rõ ràng, thông điệp cùng cách làm nhất quán, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp. Đề xuất năm 2025, Chính phủ hiện thực hóa các chỉ đạo này.
"Mạnh dạn nghiên cứu triển khai một số dịch vụ công trực tuyến với đầu mối là tổ chức/doanh nghiệp tư nhân vì chúng ta đã có tiền lệ công chứng tư, bệnh viện tư… với chất lượng dịch vụ vượt trội do tư nhân cung cấp. Xây dựng cơ chế cụ thể về khai thác, chia sẻ dữ liệu đặc biệt là dữ liệu mở cho khu vực tư nhân căn cứ các quy định của Luật Dữ liệu 2024 và đưa vào vận hành sớm trong 2025 vì trong kinh tế số, dữ liệu là mỏ vàng" – ông Trương Gia Bình đề xuất.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, có 3 điểm nghẽn chính mà mô hình tăng trưởng của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp, đang gặp phải là cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực và thể chế, được coi là các nút thắt của quá trình phát triển đất nước và nền kinh tế. Để tháo gỡ, cần thu hút tư nhân đầu tư vào phát triển hạ tầng quốc gia; tối đa hóa sự tham gia của tư nhân trong giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Trong cải cách thể chế, cần nhấn mạnh tư duy hỗ trợ phát triển thay vì kiểm soát và cần trọng tâm nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, tức là phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước để vun bồi nội lực, giúp đất nước và nền kinh tế tăng trưởng bền vững, chất lượng hơn.
Bình luận (0)