Theo báo cáo công bố hôm 11-3 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2019-2023 đã giảm 44% so với 5 năm trước đó, đứng thứ 10 trong danh sách những quốc gia mua vũ khí nước ngoài lớn nhất thế giới.
Theo tờ South China Morning Post, Nga cung cấp 77% lượng vũ khí cho Trung Quốc, bao gồm động cơ máy bay và hệ thống trực thăng, theo sau là Pháp với 13%.
Bất chấp xung đột với Nga, Ukraine vẫn là nguồn nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 của Trung Quốc chiếm 8,2%, cung cấp tua-bin khí cho các tàu khu trục và động cơ cho máy bay chiến đấu/huấn luyện hạng nhẹ L-15 của Trung Quốc.
SIPRI không cho biết lượng vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga và Ukraine đã thay đổi như thế nào sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đầu năm 2022. Tuy nhiên, các báo cáo trước đây cho thấy Ukraine chiếm 5,9% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn năm 2017-2021.
Ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình chuyển giao vũ khí SIPRI, cho biết Nga không thể thay thế Ukraine trở thành nhà cung cấp một số thiết bị của Trung Quốc.
Theo báo cáo, sự sụt giảm nhanh chóng của hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc nói chung là do khả năng thiết kế và sản xuất vũ khí của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng tăng. Sự sụt giảm này có thể sẽ nhiều hơn nữa khi nước này phát triển năng lực tự sản xuất.
Ông Wezeman cho biết Trung Quốc đã nội địa hóa một số hệ thống trong vài năm qua, chẳng hạn như động cơ cho máy bay chiến đấu và vận tải mà họ từng nhập khẩu từ Nga và động cơ hàng hải từ Ukraine, Pháp và Đức.
Ông Wezeman cho hay cuối năm ngoái, các phiên bản máy bay, tàu mới được lắp động cơ Trung Quốc đã đi vào sản xuất, không cần nguồn cung từ nước ngoài.
Nhìn chung, châu Á và châu Đại Dương chiếm 6 trong số 10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2019-2023 - gồm Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ấn Độ đứng đầu danh sách với 9,8% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu, tăng từ mức 9,1% trong năm 2014-2018, phần lớn là do căng thẳng với Pakistan và Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước châu Âu gần như tăng gấp đôi lượng vũ khí nhập khẩu trong giai đoạn 2014-2018 và 2019-2023, với hơn 1/2 số vũ khí do Mỹ cung cấp.
Về xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc đã bán vũ khí cho 40 quốc gia, chiếm thị phần lớn thứ 4 toàn cầu với mức ổn định 5,8% mặc dù số lượng xuất khẩu giảm 5,3%. Trong khi đó, Mỹ hiện chiếm thị phần lớn nhất thế giới, tăng từ 34% lên 42%. Mỹ đã bán vũ khí cho 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 5 năm qua, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đó và nhiều hơn bất kỳ nhà xuất khẩu vũ khí nào khác.
Bình luận (0)