icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vị tướng mang hai sứ mệnh

Bài và ảnh: HUỲNH NHƯ

Tôi sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho đến hơi thở cuối cùng, dù ở bất cứ cương vị nào

Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - một người lính kiên trung, một nhà hoạt động không mệt mỏi vì quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM.

Đối mặt bao lần sinh tử!

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, sinh năm 1949 tại xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, giữa thời kỳ đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Tuổi thơ của ông gắn liền với những tháng ngày bom đạn khi quân Pháp liên tục mở các cuộc càn quét, tàn sát dân lành, cướp bóc và thiêu rụi làng mạc. Tận mắt chứng kiến những mất mát đau thương ấy, ông sớm hun đúc lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, đất nước. Không chỉ chứng kiến cảnh quê nhà bị tàn phá, ông còn lớn lên trong các câu chuyện về tinh thần quật cường của người dân, về những người chiến sĩ vệ quốc quân dũng cảm chiến đấu vì độc lập dân tộc. Những hình ảnh ấy đã khắc sâu trong tâm trí chàng trai trẻ, thôi thúc ông sớm chọn cho mình con đường binh nghiệp.

Vị tướng mang hai sứ mệnh- Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ bên cuốn sách “Hậu quả chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam - hiện trạng và di chứng”

Năm 1966, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Trần Ngọc Thổ theo bước các thế hệ đi trước lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320, đóng quân tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sau 3 tháng huấn luyện, cuối năm 1966, ông Trần Ngọc Thổ cùng đồng đội hành quân vào Nam, dấn thân vào những vùng chiến sự ác liệt. Đầu năm 1967, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, với nhiệm vụ tác chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Đây là khu vực nổi tiếng với địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và sự hiện diện dày đặc của quân Mỹ cùng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tại đây, ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh căng thẳng, đối mặt với sự vây ráp quyết liệt của đối phương.

Sau một thời gian chiến đấu ở Tây Nguyên, ông được điều động về chiến trường Đông Nam Bộ, sát cánh cùng đồng đội trong đội hình Sư đoàn bộ binh 5 - đơn vị chủ lực của Bộ Chỉ huy Miền đóng quân tại tỉnh Phước Long. Tại đây, ông cùng đồng đội liên tục tổ chức và tham gia những trận đánh quan trọng nhằm mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cho cuộc tổng tiến công sau này.

Nhớ lại những năm tháng chiến đấu từ 1966 - 1975, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ ông đã tham gia không biết bao nhiêu trận đánh, đối mặt với vô vàn lần sinh tử. Mỗi cuộc hành quân đều để lại những ký ức không thể phai mờ, như những vết khắc trong dòng máu của chính mình. "Nếu phải chọn một chiến dịch đáng nhớ nhất, đó chắc chắn là tháng 4-1975, thời khắc lịch sử khi chiến thắng của dân tộc hiện rõ trước mắt" - Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ kể.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trên cương vị Trưởng Ban Tác chiến của cánh quân thứ 5, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cùng đơn vị xuất phát từ Tiền Giang, vượt sông Vàm Cỏ dưới làn bom đạn, được đồng bào và đồng đội che chở, hỗ trợ, ông chỉ huy đơn vị chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Với chiến thuật cơ động thần tốc, đơn vị của ông tiến dọc theo Quốc lộ 50, thẳng hướng Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng ngày 30-4-1975.

Sứ mệnh nhân đạo

Năm 2008, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ rời quân ngũ, mang trên mình 11 vết thương trận mạc, với tỉ lệ thương tật 61%. Với nhiều người, đó có thể là dấu chấm hết cho một đời binh nghiệp. Nhưng với ông, đó chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến khác, cuộc chiến không súng đạn, không kẻ thù hữu hình nhưng đầy mất mát và day dứt, cuộc chiến vì nạn nhân chất độc da cam.

Vị tướng mang hai sứ mệnh- Ảnh 2.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tham gia chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song di chứng dioxin vẫn ngày ngày rỉ máu trong hàng triệu gia đình. Hàng ngàn đứa trẻ dị tật. Hàng ngàn người lớn sống bất động, phụ thuộc vào người thân. Tại TP HCM, có hơn 20.000 người khuyết tật, nhiều người trong số đó là thế hệ thứ hai, thứ ba của các cựu chiến binh, đang sống trong nghèo khó và bị lãng quên. Những "vết thương" do chất độc dioxin gây ra âm thầm nhưng tàn khốc không kém bom đạn. Ông Thổ hiểu rõ điều đó, không chỉ bằng trực giác của một người lính mà bằng chính cơ thể và máu thịt của mình - người từng bị phơi nhiễm, từng trải qua những cơn đau dai dẳng và từng chứng kiến đồng đội lần lượt ngã xuống vì di chứng hóa học. Ông hiểu rằng, nếu mình dừng lại thì sẽ không còn ai đứng lên bảo vệ họ, những người đã từng hy sinh tuổi trẻ cho đất nước.

Từ năm 2009 đến 2023, trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM, ông bắt đầu cuộc chiến mới, kiên trì, bền bỉ và không ít nước mắt. Ông không ngồi văn phòng viết báo cáo mà đi đến từng khu trọ, từng mái nhà xiêu vẹo, gặp từng nạn nhân, hỏi thăm từng hoàn cảnh để thấu hiểu và lên tiếng. Trong suốt 15 năm, ông cùng hội mở rộng mạng lưới từ vài điểm nhỏ thành hệ thống hơn 200 chi hội cấp xã, phường và 15 đơn vị cấp quận, huyện, TP Thủ Đức với gần 4.500 hội viên. Nhưng điều ông quan tâm không nằm ở những con số mà trăn trở nhiều hơn về những đứa trẻ dị tật chưa được công nhận là nạn nhân, các bà, mẹ già yếu âm thầm chăm con, cháu bại liệt trong bóng tối, những thế hệ hậu duệ da cam/dioxin đang bị bỏ quên trong chính sách.

Vì vậy, ông đã khảo sát hàng chục xã, phường, lập hồ sơ cho hơn 500 trường hợp chưa được hỗ trợ để kiến nghị chính quyền điều chỉnh. Đồng thời, ông tích cực vận động xã hội, chỉ trong gần 10 năm, hội đã huy động được hơn 55 tỉ đồng, chuyển hóa thành nhà mới, học bổng, khám bệnh, sổ tiết kiệm… Không chỉ dừng lại ở trợ cấp, ông khởi xướng các chương trình "trao cần câu" - đào tạo nghề, xây dựng mô hình sinh kế bền vững. Từ nông nghiệp ở Làng Cam (Hóc Môn) đến hợp tác với các tổ chức Nhật Bản về trồng trọt, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, ông luôn mong muốn mỗi nạn nhân có thể tự lao động và sống bằng chính khả năng của mình.

Mang trong mình di chứng da cam, sinh hoạt khó khăn, bà Phạm Thị Nhí (quận Tân Phú), nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai từng mặc cảm và tự ti. Song, nhờ sự đồng hành bền bỉ của hội, đặc biệt là sự quan tâm sâu sắc của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã tiếp thêm cho bà nghị lực vượt qua nghịch cảnh, ổn định cuộc sống. Là người gắn bó lâu năm với hội, bà Nhí xúc động kể về bác Tám Thổ - cách gọi thân thương mà đồng đội và người dân dành cho ông. "Bác Tám là người rất tình cảm và nhân hậu. Tấm lòng ấy thể hiện không chỉ qua những hoạt động chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin mà còn qua sự lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ tận tình từng hoàn cảnh. Ở bất kỳ cương vị nào, bác luôn hành xử với trái tim của một người lính chân thành, kiên định và đầy trách nhiệm. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của bác: "Tôi sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho đến hơi thở cuối cùng, dù ở bất cứ cương vị nào"..." - bà Nhí chia sẻ.

Nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM đã trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng ngàn gia đình, với các chương trình xây sửa nhà, cấp học bổng, hỗ trợ sinh kế, tư vấn hướng nghiệp… mở ra cơ hội phát triển cho những phận đời từng chịu nhiều thiệt thòi. "Không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, đó còn là cả một tấm lòng, tấm lòng của bác Tám Thổ và đội ngũ cán bộ hội đã thắp lên ánh sáng nơi những mảnh đời tưởng chừng chìm trong bóng tối" - bà Nhí tâm sự. 

Nhiều danh hiệu cao quý

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên nhiều mặt trận, từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên đến nước bạn Campuchia, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Với lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu kiên trung, ông được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn...

Từ một người lính trinh sát, đặc công dày dạn trận mạc, ông tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp quân đội. Ông được giao nhiều trọng trách như: Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 7 (nay là Trường Quân sự Quân khu 7), Tham mưu trưởng Quân khu 7...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo