Trưa 30-4, giữa dòng người háo hức đứng chờ hai bên đường xem lễ diễu binh mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Văn Tính – cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến dịch tiến công vào Sài Gòn năm 1975 - trên tay cầm chiếc điện thoại, lặng lẽ ghi lại những hình ảnh của ngày hội non sông.
Trên tay cầm chiếc điện thoại, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tính lặng lẽ ghi lại những hình ảnh của ngày hội non sông.
Ông Tính là một trong những chiến sĩ của Quân đoàn 3 từng tham gia mũi tiến công từ Củ Chi đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất – một trong năm mũi chủ lực góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào trưa 30-4-1975.

Ông Nguyễn Văn Tính cầm điện thoại quay lại để lưu giữ khoảnh khắc lịch sử – 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới
"Hôm nay tôi đi cùng đoàn cựu chiến binh của Quân đoàn 3 từ Gia Lai và Đắk Lắk về đây dự lễ. Tôi cầm điện thoại quay lại để lưu giữ khoảnh khắc lịch sử trọng đại này – 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới" – ông Tính xúc động nói.
Ký ức ùa về như mới hôm qua, ông kể thời điểm đó ông là mũi trưởng, trung đội trưởng trinh sát của Quân đoàn 3. "Chúng tôi hành quân từ Củ Chi, tiến công vào các mục tiêu trọng điểm. Dù đã gần nửa thế kỷ, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc nghẹn ngào khi nhìn lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập. Ngày đó, người dân đón chào giải phóng với hoa, cờ, nhưng còn xen lẫn lo âu. Còn hôm nay là niềm vui trọn vẹn – khi đất nước yên bình, phát triển. Thành phố mang tên Bác đã thay da đổi thịt, khang trang, hiện đại" - ông Tính nhớ lại.
Nói về đồng đội, ông xúc động cho biết nhiều người đã nằm lại ở khắp các chiến trường, kể cả khi xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, phía bên ngoài vẫn có những chiến sĩ hy sinh. "Chúng tôi luôn khắc ghi sự hy sinh ấy như một phần máu thịt của đất nước. Thời chúng tôi sống và chiến đấu theo lời Bác dạy xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bây giờ đất nước hòa bình rồi, mong các cháu học tập, rèn luyện thật tốt để giữ vững độc lập, tự do mà bao thế hệ đã phải đổi bằng máu xương" - ông Tính nhắn nhủ.
Cũng là một trong những người lính bộ đội cụ Hồ năm xưa, vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Quảng (79 tuổi) và bà Châu Thị Việt Hương (75 tuổi) xúc động chia sẻ lại những ký ức lịch sử hào hùng, khiến người trẻ được nghe rơi nước mắt.
Bà Châu Thị Việt Hương từng là bác sĩ quân y tham gia chiến trường Campuchia 15 năm
Ông Quảng cho biết ông từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, là một trong những người lính tiến vào Sài Gòn sáng 30-4-1975.
"Lúc đó chúng tôi đánh ở Long Khánh, bao vây không cho địch thoát về Sài Gòn. Đến gần 8 giờ sáng, chúng tôi được người dân nhường đường, nhường cả xe khách để bộ đội tiến nhanh vào giải phóng. Tới khoảng 12 giờ trưa, tôi cùng đồng đội cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Cảm giác vỡ òa, không thể nào quên" - ông Quảng chia sẻ.

Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm khi nghe câu chuyện chiến trường xưa của ông Quảng và bà Hương
Bên cạnh ông là bà Châu Thị Việt Hương (vợ ông Quảng, 74 tuổi) cựu chiến binh, từng là y sĩ chiến trường tại Campuchia. Bà xuất thân từ một gia đình cách mạng.
"Sau ngày giải phóng, tôi xung phong nhập ngũ, làm quân y ở Campuchia suốt 15 năm. Được gặp chồng tôi khi ông đóng quân ở cầu Đồng Nai – ngay gần nhà tôi. Sau đó, chúng tôi quen nhau" - bà Hương kể lại
Hai ông bà cùng có mặt tại buổi lễ từ 4 giờ sáng ngày 30-4, trong bộ quân phục chỉnh tề, mang theo niềm tự hào và cả ký ức thiêng liêng của những ngày "vào sinh ra tử". Nói về sự đổi thay sau 50 năm, ông Quảng không giấu được xúc động:
"Hồi đó chúng tôi đói, rách, chỉ có ý chí. Còn bây giờ, đất nước phát triển vượt bậc. Thành phố đẹp như bản đồ, lòng dân đoàn kết. Không có thế lực nào có thể làm lung lay tinh thần Việt Nam" - ông Quảng bày tỏ.
Bà Hương cũng cho biết thêm trong ngày vui của đất nước, bà dắt theo cháu trai để cho cháu hiểu thế nào là tự hào dân tộc.
Được nghe câu chuyện của ông Quảng và bà Hương, 2 bạn trẻ Trần Yến My (26 tuổi, ngụ quận 11) và Lưu Thuận Kỳ (25 tuổi, ngụ quận Bình Tân) bật khóc.
2 bạn trẻ bật khóc khi nghe 2 người lính kể chuyện chiến trường xưa
"Em rất xúc động khi được nghe chú kể đã từng bước ra từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Rất nhiều người đã ngã xuống ở đó, là một mất mát lớn của dân tộc. Hôm nay được gặp một nhân chứng sống như vậy, em cảm thấy rất tự hào và biết ơn" - Kỳ nghẹn ngào chia sẻ.
Câu chuyện về tình yêu, sự hy sinh của vợ chồng ông Quảng cũng khiến Yến My vô cùng ngưỡng mộ. "Không chỉ là chiến sĩ ngoài mặt trận, họ còn là người đồng hành bên nhau trong cuộc sống. Tụi em thực sự cảm thấy may mắn khi được lắng nghe những câu chuyện sống động như vậy, chứ không chỉ qua sách vở" - Yến My bày tỏ.
Cả hai cho biết đã có mặt từ 21 giờ tối ngày 29-4, sau đó, cả 2 ngủ lại ngay tại khu vực trung tâm đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu để có thể theo dõi trọn vẹn lễ diễu binh – một sự kiện "50 năm mới có một lần".
Bình luận (0)