Nằm tại số 58 Trần Hưng Đạo, phường Hiệp Phú, quận 9 - TPHCM, cơ sở nem của bà Chín lúc nào cũng đông khách. Khách đến đây không chỉ để thưởng thức những chiếc nem có vị chua, ngọt, thơm ngon mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn, quy trình làm nem truyền thống. Hơn 30 năm qua, dù trải qua không ít thăng trầm nhưng nem của bà Chín vẫn giữ được danh tiếng, góp phần tạo nên đặc sản “nem Thủ Đức”.
Tiếng lành đồn xa
Bà Chín năm nay đã ngoài bảy mươi nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh; tác phong hoạt bát, nhanh nhẹn. Khi tôi đến, bà đang thoăn thoắt chia những phần thịt vừa quết xong ra thành những viên nhỏ rồi quấn lá chùm ruột, bao ni lông bên ngoài và sau cùng là gói lá chuối. Những chiếc nem qua bàn tay của bà được hoàn tất trong nháy mắt. Cầm chùm nem, bà giải thích: “Ba ngày nữa, nem này mới dùng được. Làm nem coi vậy mà vất vả lắm. Mang tiếng được ngồi trong mát nhưng lúc nào cũng luôn tay”. Với bà, nghề làm nem không chỉ là cái nghiệp mà chính là sự sống bởi nghề này đã nuôi cả gia đình bà suốt mấy chục năm qua.
Bà tên thật là Nguyễn Thị Kim Cẩn nhưng mọi người quen gọi là bà Chín nem. Nem của bà Chín không chỉ ngon mà còn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đặc biệt, không có hóa chất độc hại. Sinh ra và lớn lên tại Khánh Hòa - Nha Trang, nơi có đặc sản nem Ninh Hòa truyền thống nên ngay từ nhỏ, bà đã biết làm nem. Sau khi lấy chồng, vào Sài Gòn, sinh con, bà mới nghĩ đến việc làm nem mưu sinh. Bà nhớ lại: “Đó là năm 1972, khi gia đình tôi chuyển đến Thủ Đức. Để nuôi đàn con 5 đứa, tôi bắt đầu làm nem”.
Bí quyết thành công
Từ sự ủng hộ của nhiều người, cơ sở sản xuất nem của bà ra đời. Ông Lê Phấn, chồng bà, nhớ lại: “Hồi đó, mỗi dịp lễ, Tết, cả nhà rộn ràng tiếng người hòa cùng tiếng quết thịt. Nhiều khi đến Tết, cả nhà không được nghỉ ngơi vì khách đặt hàng tấp nập”.
Bà Chín kể cho tôi nghe bí quyết làm nem của mình: “Phải chọn thịt đùi sau thật tươi, khi đặt tay vào thịt phải dính vào tay mới làm được nem ngon. Thịt đem về lóc sạch gân, xay nhuyễn rồi quết cho thật kỹ; vừa quết vừa cho thêm gia vị như muối, đường, tỏi, bột ngọt, tiêu hột... vào. Để nem có vị ngọt tự nhiên và màu đẹp, khi quết thịt cần cho thêm mật ong và rượu màu vào. Đặc biệt, muối được dùng khi làm nem phải là loại muối hầm của vùng biển Bình Thuận không lẫn tạp chất, không bị ô nhiễm mới cho ra những chiếc nem ngon. Khi gói nem, cần cho thêm lá dong, lá chùm ruột hoặc lá ổi để cho nem có vị thơm đặc trưng”.
Từ những chiếc nem chua truyền thống, bà còn nghiên cứu cho ra đời thêm các loại nem nướng phục vụ khách hàng trong những tiệc chiêu đãi, họp mặt.
Đưa công nghệ hiện đại vào nghề truyền thống
Hiện nay, thương hiệu nem Bà Chín đã được đăng ký nhãn hiệu, có mặt ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt... Không những thế, bà con Việt kiều về quê cũng đến cơ sở của bà mua nem làm quà. Anh Lê Nguyên Hùng, con trai cả của bà, hiện là người nối tiếp nghề truyền thống của cơ sở, cho biết: “Hiện nay, các công đoạn từ xay thịt, xắt mỡ, xắt bì, quết, trộn... đều được làm bằng máy. Nhờ đó, nhân công ít hơn mà sản phẩm làm ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm vệ sinh”.
Nhiều năm qua, mỗi năm, có hàng trăm sinh viên từ các trường đại học như Nông Lâm, Sư phạm Kỹ thuật, Bách khoa, Công nghệ Sài Gòn, Hùng Vương... đến đây thực tập. Đã có nhiều sinh viên dùng nem bà Chín làm đề tài tốt nghiệp và đạt kết quả cao. Cô Nguyễn Thanh Khương, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Từng thực tập tại đây, tôi đã học khá nhiều kinh nghiệm về quy trình làm nem”.
Thầy Nguyễn Thanh Long- Khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho thế hệ trẻ Điều đáng trân trọng ở cơ sở nem của bà Chín là tuy làm nem có bí quyết riêng nhưng khi sinh viên đến thực tập, bà không hề giấu bí quyết đó mà sẵn sàng truyền hết kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng là điều rất đáng quý của cơ sở. |
Bình luận (0)