Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN rất lúng túng khi gặp phải khiếu nại, thắc mắc của các gia đình liên quan đến con em mình bị rủi ro tai nạn, tử vong ở Malaysia. Trên thực tế, cơ quan này cũng nhận được nhiều thư khiếu nại của người lao động (NLĐ) và thân nhân liên quan đến vấn đề trên.
Lao động VN chuẩn bị hành lý sang Malaysia làm việc. Ảnh: MI LAN
Đối tượng nào được bồi thường?
Để thống nhất cách giải quyết, mới đây, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có công văn hướng dẫn về việc chi trả bảo hiểm tai nạn đối với NLĐ sang làm việc tại Malaysia. Theo hướng dẫn, ngoài lĩnh vực giúp việc gia đình, lao động nước ngoài vào làm việc tại Malaysia có tiền lương không thấp hơn 500 ringgit - RM/tháng (1 RM khoảng 5.800 đồng) hoặc lao động giản đơn (bất kỳ mức lương nào) đều thuộc đối tượng được chi trả bảo hiểm.
Vấn đề cần làm rõ là bị tai nạn trong hoàn cảnh nào thì mới được bồi thường? Theo luật hiện hành về bồi thường tai nạn cho NLĐ của Malaysia: NLĐ bị tai nạn trong thời gian làm việc tại nơi làm việc hoặc thực hiện một hành vi khác vì mục đích giải nguy, bảo vệ người khác, làm giảm tổn thất tài sản tại nơi làm việc thì được bồi thường. Ngoài ra, trong thời gian làm việc, nếu NLĐ thực hiện một nhiệm vụ của chủ ở ngoài nơi làm việc mà bị tai nạn hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo mệnh lệnh của chủ vì mục đích liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại cũng thuộc đối tượng được bồi thường.
Trong trường hợp tai nạn (tai nạn giao thông) ngoài thời gian làm việc, NLĐ được bồi thường, nếu bị tai nạn trong các trường hợp sau: Đang trên đường đi từ nơi ở tới nơi làm việc hoặc ngược lại, khi kết thúc công việc; đang thực hiện nhiệm vụ nào đó của chủ trên đường đi tới nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đi ra bất kỳ phương tiện giao thông nào.
Vướng ở nhiều trường hợp khác
Hiện nay có khoảng 80.000 lao động đang làm việc theo hợp đồng tại Malaysia. Hầu hết lao động VN lao động hợp pháp tại Malaysia đều thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm tai nạn (theo luật, chủ sử dụng phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho NLĐ). Tuy thế, không phải mọi lao động hợp pháp bị tai nạn, bị chết đều được nhận chi trả bảo hiểm.
Cần lưu ý, Malaysia là thị trường mà tỉ lệ lao động VN bị đột tử cao nhất trong số các thị trường XKLĐ (chiếm khoảng 0,3% – 0,5% trong số lao động đưa đi hằng năm). Nguyên nhân chính là do điều kiện làm việc nặng nhọc, chế độ dinh dưỡng hạn chế, sinh hoạt tùy tiện (nhậu nhẹt, uống rượu tự pha chế có độ cồn cao...). Hầu hết các trường hợp đột tử đều xảy ra ngoài thời gian làm việc và ngoài nơi làm việc. Do chỉ thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động và quy kết tai nạn giao thông vào tai nạn lao động (trong trường hợp tai nạn ngoài nơi làm việc) chứ không có bảo hiểm rủi ro nhân mạng như ở Hàn Quốc nên khi xảy ra đột tử, kể cả các trường hợp bị tai nạn khác dẫn đến mất khả năng lao động, bị chết thì NLĐ cũng không nhận được khoản chi trả này.
Điều đáng nói là do không biết thông tin, cũng như không được hướng dẫn rõ ràng từ DN nên thời gian qua, đã xảy ra hiện tượng thân nhân, gia đình có con em bị tai nạn, bị đột tử không được giải quyết quyền lợi đã khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp NLĐ bị tai nạn, bị chết khác để NLĐ, thân nhân, gia đình nắm bắt.
Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ hàng không Airseco, thông thường, trong các trường hợp như nói trên, NLĐ chỉ nhận được hỗ trợ một số chi phí hồi hương, trợ cấp (đối với người không còn khả năng lao động), chi phí mai táng, tang lễ của chủ sử dụng lao động và DN.
Bị tử vong được bồi thường khoảng 145 triệu đồng
Theo luật hiện hành của Malaysia, trong các trường hợp bị tai nạn trong thời gian làm việc dẫn đến tử vong, NLĐ được bồi thường 25.000 RM (khoảng 145 triệu đồng) và ngoài thời gian làm việc là 23.000 RM. Trường hợp bị tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động vĩnh viễn một phần hoặc toàn bộ, mức chi trả tương ứng cho hai trường hợp bị tai nạn tối đa không quá 23.000 RM/người. Riêng trường hợp bị tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động tạm thời một phần hoặc toàn bộ (tai nạn thường gặp nhất), mức bồi thường chi trả định kỳ tương ứng 1/3 tiền lương tháng của NLĐ nhưng không vượt quá 165 RM trong thời gian tối đa 5 năm kể từ khi bị tai nạn. Ngoài ra, NLĐ còn nhận chi phí hồi hương 4.800 RM.
Liên quan đến vụ 3 lao động VN bị chết do hỏa hoạn ở Malaysia (xem Báo Người Lao Động số ra ngày 11-2), các chuyên gia về XKLĐ cho rằng vì làm việc bất hợp pháp nên những người này sẽ không được chi trả bảo hiểm. Tuy thế, đã từng xảy ra một số trường hợp chủ sử dụng lao động bất hợp pháp ngoài bị phạt, chi trả mọi chi phí liên quan đến lao động bị chết còn bị buộc bồi thường một khoản chi phí dựa trên khung chi trả bồi thường bảo hiểm tai nạn theo quy định. |
Bình luận (0)