Thế giới của sự liên kết
“Phẳng” đồng nghĩa với sự “kết nối” và sự kết nối này thông qua internet và các công cụ khác của thế giới mới đã mở ra cho các quốc gia, các công ty và cá nhân từng con người những phương thức về hợp tác, giao dịch mọi mặt hoàn toàn mới mẻ. “Toàn cầu hóa 3.0 thực chất đang ở vào giai đoạn tăng tốc, nó làm cho thế giới chuyển từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và đồng thời san phẳng thế giới” (Thomas L. Friedman).
Trong thế giới này, không chỉ các quốc gia, những tập đoàn/công ty, mà cả các cá nhân ở khắp nơi trên hành tinh có thể kết nối với nhau trong những chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tạo ra giá trị gia tăng (value added) ngày càng lớn hơn.
7 “quy tắc vàng” trong thế giới phẳng
Với các tập đoàn kinh tế và các công ty, điều cực kỳ quan trọng là phải lấy định hướng toàn cầu thay cho định hướng quốc gia. Friedman đưa ra 7 quy tắc vàng cho các công ty và tập đoàn muốn thành công trong môi trường kinh doanh mới.
- Quy tắc 1: Khi thế giới trở nên phẳng và bạn cảm thấy mình chịu áp lực thay đổi thì hãy tự trau dồi kỹ năng cho chính mình chứ đừng tìm cách xây rào cản.
- Quy tắc 2: “Người tí hon có thể hành động như người khổng lồ”. Cách để các công ty nhỏ có thể thịnh vượng trong thế giới phẳng chính là học cách làm chuyện lớn. Bí quyết để người tí hon làm được chuyện lớn là nhanh chóng chiếm lĩnh lợi thế của các công ty mới để hợp tác và vươn xa hơn, nhanh hơn, rộng hơn và sâu hơn.
- Quy tắc 3: “Người khổng lồ cần phải làm cả những việc của người tí hon”. Các công ty lớn phải học làm cả những chuyện thực nhỏ để cho khách hàng của mình làm chuyện thực lớn.
- Quy tắc 4: “Những công ty tốt nhất là những người cộng tác tốt nhất”. Trong thế giới phẳng, công việc kinh doanh ngày càng được thực hiện nhiều hơn thông qua cộng tác trong công ty và giữa các công ty, vì một lý do đơn giản: Những giá trị mới được tạo ra về công nghệ, marketing, y sinh hay chế tạo đang trở nên phức tạp đến mức không một hãng hay chi nhánh đơn lẻ nào có khả năng tự mình triển khai.
- Quy tắc 5: “Các công ty tốt nhất tồn tại được bằng thường xuyên “chụp X-quang” cho mình rồi bán kết quả cho khách hàng”.
- Quy tắc 6: “Những công ty tốt nhất thuê làm bên ngoài để chiến thắng, chứ không phải để thất bại”. Họ thuê làm bên ngoài để đổi mới nhanh hơn, chi phí rẻ hơn, nhằm tăng trưởng lớn hơn, giành nhiều thị phần và thuê được nhiều chuyên gia giỏi hơn - chứ không phải để tiết kiệm tiền bằng cách sa thải nhân công.
- Quy tắc 7: “Thuê làm bên ngoài không chỉ dành cho những người thực dụng. Công việc này còn dành cho những người làm ăn chân chính”.
C.E.O - Anh là ai?
Để chiến thắng trong thế giới phẳng, chân dung của một C.E.O - Chief Executive Officer nên hình dung như thế nào? Nên chăng có một “người mẫu” với những đặc trưng sau:
- Có tầm nhìn: Tư duy định hướng tốt, phù hợp xu hướng biến đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt môi trường kinh doanh toàn cầu (suy nghĩ toàn cầu, hành động bản địa). Biết định hướng hành vi để đạt những điều mong muốn trong tương lai xa; biết lý luận để quyết định rồi hành động (suy nghĩ 80%, hành động 20%).
- Có hình ảnh: Có năng lực, kiến thức (knowledge), có học vấn và tri thức cần thiết để chẳng những phải “làm đúng” (doing right) mà còn “làm đúng việc đúng” (doing rigth the right thing). Có 3 điều quan trọng nhất tạo hình ảnh C.E.O là văn hóa, cam kết/gắn bó và đồng thuận.
- Có phong cách: Mỗi C.E.O là một hội tụ của phong cách doanh nhân (Enterprememship) và phong cách lãnh đạo (leadership). Phong cách doanh nhân thể hiện ở độ nhạy bén trước cơ hội kinh doanh, chấp nhận rủi ro (risking), thái độ tích cực, tinh thần lạc quan, say mê “làm giàu”. Phong cách lãnh đạo thể hiện trước hết ở quyền lực, tinh thần tự chịu trách nhiệm.
- Ưa thích đổi mới (innovation): C.E.O cần có bản năng thích tìm tòi cái mới, cách suy nghĩ mới, cách làm việc mới, sản phẩm mới. Không “xói mòn”, bảo thủ và “biết thắng cuộc chơi”.
Tóm lại, “C.E.O trong thế giới phẳng” phải khẳng định mình trong sân chơi toàn cầu mà nguyên tắc “cùng thắng” (win-win) luôn là nguyên tắc phổ biến, cốt lõi.
Ngày hội của giới doanh nhân Chương trình “C.E.O trong thế giới phẳng” do Báo Người Lao Động phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển tổ chức, với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Công ty TNHH Trang trí nội thất châu Âu, Công ty Cổ phần Kinh Đô, Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa... sẽ diễn ra vào ngày 1-10, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM. Chương trình dự kiến thu hút 500 đại biểu là những C.E.O, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà quản trị cao cấp... Đây là cơ hội để giới doanh nhân giao lưu, trao đổi, đúc kết kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng mô hình điều hành thích hợp và tìm kiếm giải pháp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực quản lý.Bạn đọc quan tâm đến chương trình có thể tìm hiểu, đăng ký tham dự tại Văn phòng Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển, số 279 Nguyễn Tri Phương, quận 10 - TPHCM. ĐT: 08.8561250 - 0913.147824 (gặp Mr.Sử). |
Bình luận (0)