Trong tình hình khó khăn, người lao động cần nâng cao tay nghề để bảo đảm việc làm. Trong ảnh: Công nhân Công ty May Ngọc Phước trong giờ làm việc. Ảnh: H.NG |
. Phóng viên: So với năm 2008, sự dịch chuyển cơ cấu ngành nghề diễn biến thế nào khi hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) đang cơ cấu lại lao động?
- Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Chúng tôi nhận thấy một số công ty đã cơ cấu lại nhân sự từ giữa năm 2008 và sẽ còn tiếp diễn trong năm 2009. Những ngành nghề nóng và thuộc hàng “top” trước đây như chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng, bất động sản... có sự sụt giảm nhu cầu nhân lực đáng kể. Tôi nghĩ đó cũng là liều thuốc hạ nhiệt cần thiết bởi những ngành này đã phát triển quá nóng trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, vẫn có một số ngành nghề có nhu cầu nhân lực rất lớn, chẳng hạn như tư vấn luật. Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vấn đề luật pháp càng trở nên quan trọng đối với những công ty muốn đứng vững trong “sân chơi” toàn cầu. Tuy nhiên, VN hiện vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực có trình độ cao vì chất lượng nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các vị trí cao cấp.
. Trong tình hình khó khăn, DN thu hẹp quy mô, liệu mặt bằng tiền lương có được bình ổn?
- Có ba vấn đề sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tiền lương của các công ty trong năm 2009. Thứ nhất, sự khó dự đoán của nền kinh tế sẽ khiến nhiều công ty tính đến chuyện cơ cấu lại, thay đổi hoặc giảm những khoản phúc lợi nhằm giảm gánh nặng tài chính. Thứ hai, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được triển khai, hầu hết các khoản thưởng và phúc lợi khác đều bị đánh thuế và nhằm bảo đảm duy trì các khoản phúc lợi cho nhân viên, các công ty có thể phải chịu thêm gánh nặng tăng chi phí trực tiếp đối với hoạt động kinh doanh. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, như tôi đã nói, VN vẫn trong tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực có trình độ cao. Hệ quả của nó là các công ty vẫn phải duy trì một chính sách lương và phúc lợi rất cạnh tranh nhằm thu hút và giữ nhân lực về lâu về dài.
. Đi đôi với việc giảm chi phí, hiện nhiều DN đang thực hiện cắt giảm lao động. Lời khuyên của bà dành cho người lao động để giúp họ được trụ lại DN trong thời gian tới?
- Cắt giảm nhân lực chỉ là giải pháp cuối cùng đối với các chủ DN vì thực tế không ai muốn để nguồn nhân lực đã thạo việc của mình ra đi. Về phía các nhân viên, hãy tích cực làm việc hơn, sáng tạo hơn và bớt đòi hỏi vì công ty có tồn tại thì mình mới tồn tại. Nếu các bạn phải làm thêm một số việc khác, hãy học hỏi và trang bị thêm kỹ năng, kiến thức cho mình. Trong thời buổi khó khăn, tất cả đều phải nỗ lực, không loại trừ một ai. Trong trường hợp bị sa thải, người lao động nên nhìn nhận đây là cơ hội để họ phát triển ở một nơi khác.
. Theo bà, để bình ổn thị trường lao động, quan hệ lao động, các DN cần thực hiện chính sách gì?
- Dù khó khăn, DN vẫn phải duy trì chính sách nhân sự của mình sao cho đủ sức cạnh tranh và giữ được nhân tài, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế. Tập trung cho đào tạo là một trong những phương án nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên và cũng để nhân viên có thêm kiến thức, kỹ năng có ích cho bản thân họ và cho công việc. Đối với nhân viên, tiền bạc không phải là tất cả nếu DN không tạo ra những thử thách giúp bạn phát triển bản thân và sự nghiệp. Vì vậy, hãy nhìn xa hơn và xem thời điểm này là cơ hội để tự học và nâng cao giá trị bản thân.
Bình luận (0)