Định hướng sai nghề nghiệp, chọn nghề không phù hợp vốn đã là một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ. Tại hội thảo bàn giải pháp liên kết đào tạo - sử dụng lao động do Báo Người Lao Động tổ chức nhân Ngày Hội Thanh niên với nghề nghiệp năm 2006 diễn ra ngày 11-3, cũng như trước đó ở hội thảo nghề nghiệp do Công ty L&A tổ chức, các nhà đào tạo, chuyên gia tư vấn nhân lực một lần nữa lên tiếng cảnh báo về hiện tượng này.
Theo số liệu khảo sát riêng của L&A, hiện có khoảng 20% sinh viên chọn sai ngành học, tốt nghiệp đi làm mới thấy công việc không phù hợp nên bỏ việc hoặc làm trái nghề. Một số liệu điều tra khác của Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp. Đáng chú ý hơn là có đến 40% lao động trẻ chọn nghề học chưa phù hợp với nghề mình đang học. Ông Trương Chí Dũng, Giám đốc phát triển Công ty IT Solutoin, cho rằng: Học sinh, sinh viên vẫn còn mơ hồ giữa việc chọn ngành học và công việc thực tế. Nhiều em chưa hiểu rõ những yêu cầu, công việc nên khi ra trường rất lúng túng và khó tìm kiếm việc làm phù hợp.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty L&A, việc chọn sai nghề gây lãng phí công sức, tiền bạc, mất nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai.
Để chọn nghề phù hợp, các chuyên gia tư vấn cho rằng điều quan trọng nhất chính giới trẻ phải tự hướng nghiệp cho mình, tránh chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, theo bạn bè, may rủi, nghề không có điều kiện liên quan về kinh tế, năng lực. Bà Lệ khuyên giới trẻ nên tìm hiểu kỹ những yêu cầu của ngành nghề, triển vọng nghề nghiệp, mức lương, thị trường lao động cùng những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi của nghề đã chọn. Theo bà Nguyễn Thu Giao, Giám đốc nhân sự Công ty Interflour Việt Nam, bạn trẻ phải xác định rõ mình cần gì, muốn gì và có phẩm chất, năng lực gì để từ đó có định hướng đúng trong nghề nghiệp.
Bình luận (0)